hieuluat
Chia sẻ email

Người hưởng án treo có được đi khỏi địa phương không?

Việc người hưởng án treo có được đi khỏi địa phương không hiện nay được quy định khá chung chung. Tuy nhiên, từ 1/1/2020 thì vấn đề này đã được cụ thể hơn nhiều.

Khi nào người phạm tội được hưởng án treo?

Theo quy định của Bộ luật Hình sựNghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

- Có nhân thân tốt;

- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, để được hưởng án treo thì người phạm tội phải đáp ứng không ít điều kiện khắt khe của pháp luật. Kể cả việc đi khỏi địa phương cũng phải tuân thủ những yêu cầu nhất định.

Người hưởng án treo có được đi khỏi địa phương không?

Người hưởng án treo có được đi khỏi địa phương không?

Người hưởng án treo có được đi khỏi địa phương không?

Luật Cư trú 2006 quy định người được hưởng án treo hoặc bị Tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú, người đang bị quản chế… là những trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú.

Luật Thi hành án hình sự 2010 đang có hiệu lực quy định người được hưởng án treo đi từ nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng. Họ cũng phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

Đối với trường hợp thay đổi nơi cư trú trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án treo cho UBND cấp xã nơi người được hưởng án treo đến cư trú để giám sát, giáo dục.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hưởng án treo đến cư trú để tổ chức việc thi hành án và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Từ ngày 1/1/2020 khi Luật Thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực thì vấn đề đi khỏi nơi cư trú của người hưởng án treo được quy định chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho cơ quan công quyền quản lý người được hưởng án treo.

Theo đó, người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá 1/3 thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì UBND cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi minh đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.

Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Xem thêm:

Hướng dẫn cách tính thời gian thử thách của án treo

6 trường hợp không được hưởng án treo

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X