Trong quá trình làm việc, người lao động không tránh khỏi việc xin nghỉ một số ngày trong tháng. Nếu số ngày nghỉ trong tháng lên trên 14 ngày, thì doanh nghiệp có phải đóng BHXH cho người lao động?
Liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì không đóng BHXH tháng đó.
Đối chiếu quy định này, có thể thấy doanh nghiệp không phải đóng BHXH cho người lao động khi người này không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên.
Bởi vậy có thể xét 03 trường hợp nghỉ việc từ 14 ngày trở lên trong tháng của người lao động, doanh nghiệp không phải đóng BHXH:
1. Người lao động nghỉ ốm đau
Nếu người lao động bị ốm đau, bệnh tật phải nghỉ, theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động được nghỉ:
- 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
- 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 – 30 năm;
- 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
Trong trường hợp công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được nghỉ thêm 10 ngày tương ứng với mỗi trường hợp nêu trên.
2. Người lao động nghỉ thai sản
Theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và doanh nghiệp không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người lao động nghỉ trên 14 ngày không phải đóng BHXH? (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, số ngày người lao động được nghỉ khi có thai được nêu cụ thể như sau:
- Nghỉ khám thai: Đến 10 ngày (Điều 32);
- Nghỉ khi sẩy thai nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý: Đến 50 ngày (Điều 33);
- Nghỉ sinh con: Đến 6 tháng đối với lao động nữ, đến 14 ngày đối với lao động nam (Điều 34).
- Nghỉ sinh con: Lao động nữ nghỉ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh là 06 tháng; nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đặc biệt, chỉ được nghỉ trước khi sinh hưởng chế độ thai sản tối đa không quá 02 tháng (Điều 34);
- Nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai: Đến 15 ngày (Điều 37).
3. Người lao động nghỉ việc riêng
Theo Bộ luật Lao động 2012 quy định nghỉ việc riêng của người lao động có 02 trường hợp:
- Nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương:
+ Kết hôn: Nghỉ 03 ngày;
+ Con kết hôn: Nghỉ 01 ngày;
+ Bố/mẹ đẻ, bố/mẹ (vợ/chồng) chết, vợ/chồng chết, con chết: Nghỉ 03 ngày.
- Nghỉ việc riêng không hưởng lương:
+ Ông/bà nội/ngoại, anh/chị/em ruột chết, bố/mẹ kết hôn, anh/chị/em kết hôn: Nghỉ 01 ngày;
+ Trường hợp khác: Theo thỏa thuận.
Kết luận: Như vậy, có 03 trường hợp đã nêu ở trên, doanh nghiệp không phải đóng BHXH cho người lao động nếu nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
hieuluat.vn