Những ngày qua, “lùm xùm” xung quanh vụ sửa điểm ở Hà Giang chưa lúc nào lắng xuống. Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng mới phát hiện ra người can thiệp vào điểm thi chứ chưa có thông tin gì về người yêu cầu sửa điểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện bằng chứng chứng minh có người dùng tiền, giá trị vật chất hoặc phi vật chất để “mua” được kết quả này, thì cả người mua và người bán chắc chắn đều phải nhận những cái kết “ê chề” trước pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn/người khác/tổ chức khác lợi ích phi vật chất hoặc tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị khép vào tội đưa hối lộ theo Điều 364.
Tiền, tài sản, lợi ích vật chất dùng để đưa hối lộ có giá trị càng cao thì khung hình phạt càng lớn. Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù khi hối lộ tiền, tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
Chưa có thông tin về người yêu cầu sửa điểm THPT quốc gia ở Hà Giang
Tội nhận hối lộ còn bị xử phạt nặng hơn tội đưa hối lộ. Theo quy định hiện hành, tội nhận hối lộ có mức phạt cao nhất là tử hình. Khung hình phạt cao nhất này có thể bị áp dụng khi nhận hối lộ bằng tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5.000.000.000 đồng trở lên.
114 thí sinh, chủ nhân của 330 bài thi được nâng điểm ở Hà Giang, nếu không bị phát hiện ra, thì tới đây có thể sẽ ngồi trên giảng đường của những trường đại học danh tiếng để trở thành bác sỹ, kỹ sư, công an… trong tương lai. Việc phát hiện ra sự cố này đã trả lại sự công bằng cho các thí sinh khác tham gia kỳ thi.
Tuy nhiên, cả xã hội vẫn đang chờ những động thái quyết liệt hơn từ Bộ Giáo dục và Bộ Công an để tới đây, chúng ta sẽ có một kỳ thi quốc gia công khai, minh bạch và một xã hội công bằng, trong sạch hơn.