Năm 2018 đang trôi về những ngày cuối cùng. Cùng điểm lại một số văn bản được người dùng quan tâm nhất trong năm qua.
1. Quyết định 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020
Quyết định này ban hành danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo thuộc 29 tỉnh giai đoạn 2018-2020 theo 3 nhóm:
- Nhóm 1: huyện nghèo đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;
- Nhóm 2: huyện được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020;
- Nhóm 3: huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.
2. Quyết định 6061/QĐ-BYT ban hành Bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế
Quyết định này ban hành Bộ mã danh mục dùng chung gồm 9 danh mục. Phụ lục các danh mục kèm theo được đăng tải trên moh.gov.vn và congdulieuyte.vn.
3. Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
Một số điểm chú ý của Nghị định này là việc sửa đổi điều kiện đăng ký dự tuyển công chức; Ưu tiên trong tuyển dụng công chức; Nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển (xét tuyển) công chức; Xác định người trúng tuyển công chức….
4. Thông tư 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế
Theo Thông tư này, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn.
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc…
Những văn bản pháp luật được quan tâm nhiều nhất 2018
5. Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp
Theo Thông tư này, trường hợp người bệnh khám tại khoa khám bệnh sau đó điều trị nội trú theo yêu cầu vẫn tính là một lần khám. Nếu không đăng ký khám tại khoa khám bệnh nhưng khám và điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng không tính là một lần khám bệnh.
Ngoài ra, trong cùng lần đến khám bệnh cùng cơ sở y tế, từ khám chuyên khoa thứ 2 trở đi tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh. Mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Người bệnh khám tại phòng khám đa khoa khu vực sau đó chuyển lên khám tại tuyến huyện thì coi là lần khám mới.
6. Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT về chế độ phụ cấp ưu đãi với giáo viên trường công lập
Theo Thông tư này, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ngoài được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo…
7. Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế
Nghị định này đã đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế bằng cách bãi bỏ Thông tư 15/2012/TT-BYT, Thông tư 16/2012/TT-BYT, Thông tư 26/2012/TT-BYT, Thông tư 30/2012/TT-BYT, Thông tư 47/2014/TT-BYT.
8. Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Điểm nổi bật nhất của Nghị quyết này chính là quyết định sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay từ năm 2021. Thay vào đó, sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Cũng từ năm này, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp…
9. Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Nghị định quy định khi bán hàng hóa, dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã) phải lập hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua. Hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, dịch vụ…
Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2018. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 1/11/2020.
10. Nghị định 113/2018/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế
Đối tượng được bổ sung vào danh sách tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung trường hợp tinh giản biên chế là những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
hieuluat.vn