Khi các loại dịch bệnh động vật đang liên tiếp xảy ra, vấn đề kiểm dịch rất được người dân quan tâm. Động vật và sản phẩm động vật khi tiến hành vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh hầu hết đều phải thực hiện kiểm dịch.
Đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn phải kiểm dịch
Hiện nay, danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi tại Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT.
Các loại động vật trên cạn mà con người thường dùng làm thức ăn sẽ phải thực hiện kiểm dịch: Trâu, bò, ngựa, la, dê, cừu, lợn, thỏ, chó, mèo và các loài gia súc nuôi khác, gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, bồ câu, chim cút, các loài chim làm cảnh và các loài chim khác, ong, tằm, côn trùng…
Như vậy, hầu hết gia súc, gia cầm chăn nuôi, làm cảnh đều phải thực hiện kiểm dịch khi di chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Đối với các loại sản phẩm động vật như thịt, sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật có nguồn gốc từ động vật trên cạn; Lạp xưởng, patê, xúc xích, giăm bông, mỡ và các sản phẩm động vật khác ở dạng sơ chế, chế biến; Sữa và các sản phẩm từ sữa; Trứng và các sản phẩm từ trứng của động vật trên cạn; Lông các loại gia cầm; Tổ yến, mật ong… đều thuộc diện phải kiểm dịch.
Duy chỉ có các động vật sử dụng cho mục đích an ninh – quốc phòng trong trường hợp khẩn cấp, ong mật và sản phẩm từ ong mật, trứng gia cầm tươi, trứng muối, hàng thủ công mỹ nghệ chế tác từ sản phẩm động vật, thú nhồi bông là được miễn kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh
Kiểm dịch động vật/sản phẩm động vật trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh
Trước khi vận chuyển động vật/sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh hoặc Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được ủy quyền. Cơ quan kiểm dịch động vật nội địa sẽ tiến hành:
- Kiểm tra lâm sàng/kiểm tra thực trạng hàng hóa;
- Lấy mẫu xét nghiệm bệnh/chỉ tiêu vệ sinh thú y;
- Niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển;
- Hướng dẫn, giám sát chủ hàng thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện chứa đựng, vận chuyển;
- Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch;
- Thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến;
Nếu động vật/sản phẩm động vật không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định.
Đối với động vật/sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã được giám sát không có mầm bệnh hoặc đã được phòng bệnh bằng vắc xin và còn miễn dịch bảo hộ, sẽ được bỏ qua bước kiểm tra lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm.
Kiểm dịch sản phẩm/động vật tại nơi đến
Cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến chỉ thực hiện kiểm dịch trong trường hợp phát hiện:
- Động vật/sản phẩm động vật từ tỉnh khác nhưng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi xuất phát;
- Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật không hợp lệ;
- Có sự đánh tráo, thêm hoặc bớt động vật/sản phẩm động vật hoặc thay đổi bao bì chứa sản phẩm động vật khi chưa được phép của cơ quan kiểm dịch động vật;
- Động vật có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm, sản phẩm động vật bị biến đổi chất lượng hoặc nghi nhiễm mầm bệnh.
Xem thêm:
Nhiều giải pháp cấp bách nhằm khống chế Dịch tả lợn châu Phi
hieuluat.vn