hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 05/09/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nông dân bị thiệt hại do thiên tai có được hỗ trợ?

Do đặc điểm về địa hình, khí hậu, Việt Nam là một trong những nước thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ thiên tai. Nhà nước cũng đã có quy định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Nông dân bị thiệt hại do thiên tai được hỗ trợ

Theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, khi người nông dân có đủ các điều kiện như sản xuất không trái quy hoạch của địa phương, có đăng ký kê khai ban đầu, áp dụng đủ các biện pháp phòng ngừa, ứng phó mà thiệt hại vẫn xảy ra… thì được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc chi phí sản xuất ban đầu.

Nghị định này đã quy định rõ các mức hỗ trợ đối với cây trồng; sản xuất lâm nghiệp; nuôi thủy hải sản; nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất muối và các cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại khác.

Chẳng hạn, đối với diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha….

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con; Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con…

Dù mức hỗ trợ không thể bù đắp được hoàn toàn thiệt hại mà bà con phải gánh chịu nhưng thể hiện phần nào sự quan tâm của Nhà nước đối với nông dân để bà con yên tâm tái sản xuất, khôi phục đời sống.

Có cơ chế hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai

Có cơ chế hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai

Nhiều bất cập trong chính sách hỗ trợ

Dù mục tiêu của cơ chế, chính sách là để giúp đỡ bà con tái sản xuất nhưng sự cứng nhắc về cơ chế, chính sách cũng gây ra không ít khó khăn.

Thứ nhất, quy định về hỗ trợ đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại khác chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc thực thi cơ chế;

Thứ hai, một trong những điều kiện để được hỗ trợ là phải có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch… nhưng thông thường các đối tượng nêu trên đều thiếu giấy tờ này nên không thể nhận được hỗ trợ;

Thứ ba, trình tự, thủ tục hỗ trợ vẫn còn phức tạp. Người dân phải phối hợp với cơ quan chức năng thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để giải quyết. Tuy nhiên, việc phối hợp này bị phụ thuộc nhiều vào cơ quan chức năng khiến việc kê khai có thể bị chậm trễ;

Thứ tư, thời gian giải ngân tiền hỗ trợ còn chậm trong khi nhu cầu bà con cần ngay một số vốn để tái sản xuất, khôi phục đời sống.

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X