hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 06/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nữ có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Làm những công việc gì?

Nghĩa vụ quân sự tuy không bắt buộc đối với nữ giới, nhưng nếu công dân nữ tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì họ cũng có thể được tuyển chọn để tham gia nghĩa vụ quân sự. Như vậy, nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự, nữ giới sẽ làm những gì?

Mục lục bài viết
  • 1. Theo quy định, nữ có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
  • 2. Điều kiện đi nghĩa vụ quân sự nữ là gì?
  • 3. Nữ đi nghĩa vụ quân sự làm những gì?
Câu hỏi: Tôi có con gái năm nay 19 tuổi, vừa rồi cháu không đỗ Đại học, cháu có nguyện vọng đi nghĩa vụ quân sự thì có được không? Tôi muốn hỏi, trong Quân đội thì nữ có thể thực hiện những công việc nào?

1. Theo quy định, nữ có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân như sau:

Điều 6. Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ

1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.

2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Như vậy, căn cứ quy định trên, có thể thấy, công dân nam phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong độ tuổi quy định. Hiểu đúng hơn thì đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân nam.

Đối với công dân nữ, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cho phép công dân nữ trong độ tuổi quy đị định, nếu tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được Nhà nước chấp nhận.

Như vậy, không bắt buộc công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải nhập ngũ mà nhập ngũ với tinh thần tự nguyện, được nhà nước chấp nhận.

2. Điều kiện đi nghĩa vụ quân sự nữ là gì?

Theo câu hỏi của bác về việc nữ giới có được đi nghĩa vụ quân sự không? Chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015

Công dân nữ được phục vụ tại ngũ khi ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.

Ngoài ra, để được tuyển chọn tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân nữ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tương tự như công dân nam. Các tiêu chí cụ thể như sau:

Tuổi đời

Trong độ tuổi gọi nhập ngũ (theo Điều 30, Luật Nghĩa vụ quân sự):

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Chính trị

- Đáp ứng những tiêu chuẩn chính trị (Theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BCA)

- Không xăm da (bằng kim) với hình thù kinh dị, phản cảm… ở các vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống)

Sức khỏe

- Đạt sức khỏe loại 1, 2, 3 (quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP)

- Không thuộc các trường hợp:

 + Có sức khỏe loại 3

+ Có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ)

+ Nghiện ma túy; nhiễm HIV, AIDS

Văn hóa

- Đạt trình độ văn hóa lớp 8 trở lên;

Riêng các địa phương khó khăn (đã có quyết định của cấp có thẩm quyền) thì được tuyển chọn công dân có trình độ lớp 7.

Nếu ở xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, dân tộc thiểu số: yêu cầu phải có trình độ văn hóa cấp tiểu học.

Lưu ý: Trường hợp được tuyển chọn vào cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, con gái bác nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn trên và khi quân đội có nhu cầu, có thể đăng ký với Ban chỉ huy quân sự xã/phường nơi cư trú để có thể tham gia tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự nữ. 

3. Nữ đi nghĩa vụ quân sự làm những gì?

Để được đi nghĩa vụ quân sự, công dân nữ cũng phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định như đã nêu ở trên. Như vậy, nếu được phục vụ trong quân đội thì họ sẽ làm những công việc gì?

Về vấn đề này, Điều 3 Nghị định 14/2016 của Chính phủ có quy định những ngành, nghề chuyên môn của công dân nữ phù hợp yêu cầu Quân đội nhân dân. Cụ thể những ngành nghề như dưới đây.

Công dân nữ có các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; đại học, cao đẳng; trung cấp:

- Tài chính, kế toán, Luật, máy tính và công nghệ thông tin; Y dược (Y đa khoa; Y học dự phòng; Y học cổ truyền; Phục hồi chức năng; Răng - Hàm - Mặt…);  Văn thư - Lưu trữ - Bảo tàng: Lưu trữ học, Bảo tàng học…

- Hoặc trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài các ngành ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật...

- Hoặc có trình độ đại học, cao đẳng ngành: sư phạm về Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng các dân tộc ít người, Ngoại ngữ; nghệ thuật nghe nhìn;

- Hoặc người được đào tạo về nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Ngoài ra, những ngành, nghề, chuyên môn phù hợp với yêu cầu Quân đội nhân dân còn có ngành hàng không về kiểm soát không lưu; nhóm nghề kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông hàng không với người có trình độ trung cấp.

Như vậy, ngành nghề phù hợp với yêu cầu của Quân đội cũng khá đa dạng, nên con gái của bác nếu tự nguyện đi nghĩa vụ quân sự có thể làm những công việc trên (nếu không học trình độ đại học thì học cao đẳng)....., hoặc tham gia nghĩa vụ sau đó được đi đào tạo những ngành này nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định…để có thể phục vụ trong quân đội.

Bác có thể liên hệ với Ban chỉ huy quân sự xã/phường nơi cư trú để nắm được thêm các thông tin cụ thể.

Vừa rồi là những giải đáp liên quan đến vấn đề nghĩa vụ quân sự nữ. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X