“Sổ đỏ” là căn cứ pháp lý để xác nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều người hàng xóm vẫn vô tư mặc kệ tính pháp lý của giấy tờ này và công khai lấn chiếm đất đai của các hộ xung quanh.
Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều quy định bảo vệ mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản làm cơ sở phân chia, bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với bất động sản.
Luật Đất đai 2013 cũng đưa ra các quy định nghiêm cấm các hành vi lấn, chiếm đất đai. Vì vậy, mọi hành vi lấn, chiếm đất đai đều bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật.
Phải làm gì khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?
Khi xảy ra tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải cơ sở. Sau khi tự hòa giải không thành, các bên có thể gửi đơn yêu cầu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. Sau đó thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, tổ chức cuộc họp hòa giải.
Nếu hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành, thẩm quyền giải quyết tiếp theo được Luật Đất đai quy định như sau:
- Nếu tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ hợp pháp do Luật Đất đai quy định và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Nếu tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ hợp pháp do Luật Đất đai quy định thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai sau: Hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.