Ngoài sổ hộ khẩu thể hiện nơi đăng ký thường trú thì các loại sổ tạm trú hiện nay cũng được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn.
Sổ hộ khẩu (KT1)
Theo quy định tại Luật Cư trú, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Sổ hộ khẩu còn được gọi là sổ KT1.
Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình nhưng cũng được cấp cho cá nhân nếu cá nhân đủ yêu cầu do pháp luật quy định.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, nếu nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu (nếu có yêu cầu).
Phân biệt sổ hộ khẩu và các loại sổ tạm trú hiện hành
Sổ tạm trú
Khi một người đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, sổ tạm trú được chia làm 3 loại:
Sổ tạm trú dài hạn trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (KT2)
Ví dụ: Anh A có hộ khẩu thường trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Nay anh A xuống sinh sống và làm việc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khi anh A xin đăng ký tạm trú dài hạn ở quận Cầu Giấy, Công an sẽ cấp cho anh A sổ KT2.
Sổ tạm trú dài hạn ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đăng ký thường trú (KT3)
Ví dụ: Anh A có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng. A ra Hà Nội làm việc dài hạn thì khi có yêu cầu sẽ được cấp sổ KT3.
Theo Thông tư 35/2014/TT-BCA, sổ tạm trú dài hạn hiện nay chỉ có thời hạn tối đa là 24 tháng.
Sổ tạm trú ngắn hạn ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đăng ký thường trú (KT4)
Ví dụ: Anh A có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng vào Sài Gòn làm việc trong thời hạn 12 tháng thì sổ tạm trú tại Sài Gòn của A là sổ tạm trú ngắn hạn KT4.
Sổ KT4 tương tự KT3 nhưng có thời hạn đăng ký làm sổ tạm trú ngắn hơn (và có thời hạn nhất định).
Việc đăng ký thường trú, tạm trú là rất cần thiết để cơ quan chức năng quản lý được người sinh sống và làm việc trên địa bàn, quản lý lao động, số trẻ đến độ tuổi đi học và quản lý an ninh, quốc phòng... Ngoài ra còn có ý nghĩa lớn giúp đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân tại nơi sống.
Xem thêm:
KT3 có được hưởng quyền lợi như công dân thường trú?
Thủ tục cấp sổ KT3 cho người ngoại tỉnh
hieuluat.vn