hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15,16: Các dịch vụ nào được hoạt động?

Nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân đồng thời khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự…Chính phủ đã có Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, sẽ dừng giãn cách theo Chỉ thị 15,16 trên cả nước.

Câu hỏi: Tôi mới được biết, sẽ phân cấp độ dịch các tỉnh theo Nghị quyết mới của Chính phủ. Như vậy, các cấp độ được phân ra sao? Khi phân cấp như vậy, dịch vụ được phép hoạt động cụ thể thế nào?

Phân cấp độ dịch các tỉnh qua các tiêu chí gì?

Theo Nội dung Nghị quyết 128/NQ-CP việc phân loại cấp độ dịch ở các địa phương như sau:

- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới - màu xanh)

- Cấp 2: Nguy cơ trung bình (màu vàng)

- Cấp 3: Nguy cơ cao (màu cam)

- Cấp 4: Nguy cơ rất cao (màu đỏ)

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được quy định từ quy mô cấp xã. Bên cạnh đó, chính phủ cũng khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể để đảm bảo hiệu quả trong kiểm soát dịch.

Về xác định cấp độ dịch sẽ do Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp đánh giá, xác định dựa trên các tiêu chí:

Thứ nhất về tỷ lệ ca mắc mới trong cộng đồng/số dân/thời gian.

Thứ hai là độ bao phủ vắc xin, lưu ý về nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi 01, tỷ lệ tiêm đủ 02 mũi.

Và thứ ba là khả năng thu dung, điều trị của các tuyến của địa phương, xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung.

Các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và đưa ra quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Nếu tỉnh, thành nào nâng cấp độ dịch phải thông báo cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết tối thiểu trước 48 giờ để có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

phan cap do dich cac tinh
Người dân cần hạn chế di chuyển giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. Ảnh minh họa.


Áp dụng các biện pháp theo cấp độ dịch ra sao?

Theo quy định tại Nghị quyết 128, các biện pháp được áp dụng đối với các địa phương tùy vào cấp độ dịch.

Tuy nhiên, ở cả 4 cấp độ dịch, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh vẫn được hoạt động. Ngoài ra, cơ sở sản xuất, đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương ở các cấp độ dịch đều phải áp dụng công nghệ thông tin về tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm cũng như điều trị Covid-19.

Đồng thời sẽ quản lý thông tin bằng mã QR người ra-vào các địa điểm công cộng, người đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, địa điểm kinh doanh sản xuất… Người dân cũng cần hạn chế di chuyển qua lại giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.

Bên cạnh đó, những dịch vụ được phép hoạt động theo cấp độ dịch, cụ thể như sau:

Cấp độ 1 - Nguy cơ thấp

- Tổ chức các hoạt động ngoài trời không hạn chế số người

- Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động (đường hàng không và đường sắt hoạt động theo quy định riêng).

- Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống;

- Bán hàng rong, bán vé số dạo

- Giáo dục, đào tạo trực tiếp

- Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch

- Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…

Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, làm tóc (gồm cả cắt tóc), làm đẹp…được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.

Cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình

Các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… được tổ chức, hoạt động nhưng hạn chế hoặc hoạt động có điều kiện.

Riêng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử,…sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo khi được hoạt động hạn chế : Thời gian, số lượng học sinh, một số hoạt động phải ngừng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định riêng từng địa phương; đồng thời kết hợp với dạy - học trực tuyến, qua truyền hình.

Cấp độ 3 - Nguy cơ cao

- Các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời… không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện.

- Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; bán hàng rong, vé số dạo… ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện.

- Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, địa điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… được hoạt động hạn chế.

Cấp độ 4 - Nguy cơ rất cao

- Các hoạt động, dịch vụ ngừng tổ chức/ hoạt động hoặc chỉ hoạt động hạn chế.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... hạn chế hoạt động.

- Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp: ngưng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế theo quy định.

Các địa phương quy định điều kiện để chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn được hoạt động, đảm bảo hạn chế số lượng người mua - bán cùng một thời điểm.

- Dịch vụ vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, làm đẹp, làm tóc…; dịch vụ bán hàng rong, vé số dạo; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự; triển lãm, bảo tàng, rạp chiếu phim; nơi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… đều phải ngừng hoạt động.

Theo nội dung Nghị quyết 128 sẽ tạm thời không áp dụng các quy định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg , Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg trên cả nước.

Trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp tại Quy định tại Nghị quyết 128, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.


Vừa rồi là những giải đáp liên quan đến phân cấp độ dịch các tỉnh. Nếu bạn còn có vướng mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X