Mang thai hộ chính thức được hợp pháp hóa tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, Luật này chỉ cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho những cặp vợ chồng không thể có con dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là việc một người phụ nữ mang thai hộ người khác bằng cách áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để nhận được các quyền lợi về kinh tế hoặc các lợi ích khác.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình, các bên trong quan hệ mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý dân sự đối với hành vi mang thai hộ.
Phạt tù đến 5 năm nếu tổ chức mang thai hộ
Trong khi đó, Bộ luật hình sự đã rất nghiêm khắc với tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Thậm chí, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 05 năm nếu phạm tội đối với 02 người trở lên; phạm tội 02 lần trở lên; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phạm tội hoặc tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quy định này nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của pháp luật về cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi, làm biến tướng một hành vi nhân đạo, cao đẹp này.
Tuy nhiên, đây là chế tài đối với hành vi tổ chức mang thai hộ, còn người mang thai hộ vi phạm bị xử lý như thế nào thì chưa thấy có quy định cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
hieuluat.vn