hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quản lý đất đai là gì và hệ thống cơ quan quản lý đất đai ra sao?

Đất đai có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống, kinh tế và xã hội. Bởi vậy, việc quản lý đất đai để sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm là điều vô cùng quan trọng. Vậy, quản lý đất đai là gì? Những cơ quan nào thực hiện quản lý đất đai?

Mục lục bài viết
  • Quản lý đất đai là gì?
  • Nhà nước quản lý về đất đai theo những nội dung nào?
  • Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai hiện nay ra sao?
Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định pháp luật thì quản lý đất đai là gì? Hiện nay những cơ quan nào thực hiện quản lý đất đai? - Nguyễn Nhung (Bắc Giang).

Quản lý đất đai là gì?

Trước tiên, cần hiểu rõ đất đai là gì? Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2014/TT-BTNMT:

Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.

Quản lý đất đai là quá trình sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên đất ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Theo đó, nếu việc quản lý đất đai không tốt sẽ dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích, khai thác quá mức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quản lý đất đai thông qua các công cụ, phương pháp phù hợp để tác động đến hành vi của người sử dụng đất nhằm sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm. Trong đó, pháp luật là một trong những công cụ quản lý quan trọng nhất.

Quản lý đất đai là gì? Hệ thống cơ quan quản lý đất đai hiện nay (Ảnh minh họa)

Nhà nước quản lý về đất đai theo những nội dung nào?

Tại Điều 22 Luật Đất đai 2013 quy định 15 nội dung Nhà nước quản lý về đất đai gồm:

1

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.

2

Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.

3

Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.

4

Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5

Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

6

Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

7

Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

8

Thống kê, kiểm kê đất đai.

9

Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

10

Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.

11

Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

12

Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

13

Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

14

Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

15

Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.

Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai hiện nay ra sao?

Theo Điều 24 Luật Đất đai 2013, hệ thống cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong đó:

- Ở Trung ương: Cơ quan quản lý đất đai là Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Ở địa phương: Cơ quan quản lý đất đai được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Riêng với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương, Điều 4 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP) nêu rõ:

Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:

- Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

- Phòng Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý đất đai ở quận, huyện, thị xã)

- Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 25 Luật Đất đai 2013, công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân xã trong quản lý đất đai tại địa phương.

Trên đây là giải đáp về quản lý đất đai là gì. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Người sử dụng đất có những quyền gì theo Luật Đất đai 2013?

Có thể bạn quan tâm

X