hieuluat
Chia sẻ email

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị sa thải?

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là tình trạng hiếm gặp. Vậy, hiện nay, quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý thế nào? 

Mục lục bài viết
  • Thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
  • Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị sa thải?
  • Cần lưu ý gì khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải?
Câu hỏi: Tháng 5/2021, một nhân viên nữ của công ty tôi có phản ánh về việc bị một đồng nghiệp nam làm cùng bộ phận có những hành vi, lời nói khiếm nhã, không đúng chuẩn mực, nhạy cảm. Việc này đã diễn ra khá nhiều lần gây ảnh hưởng tới tâm lý và hiệu quả làm việc của nhân viên nữ kia.
Vậy, cho tôi hỏi làm thế nào để tôi có thể xác định đây là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc để có căn cứ sa thải lao động nam kia? Tôi cảm ơn! - Thu Hà (Hải Phòng)

Thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?

Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

9. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Theo đó, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục:

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị sa thải? (Ảnh minh họa)


Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị sa thải?

Sa thải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật lao động và có mức độ nặng nhất. Tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, trong đó có:

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

Đây đồng thời cũng là một trong những điểm mới của Bộ luật lao động 2019 so với Bộ luật Lao động 2012.

Như vậy, người lao động có hành vi quấy rồi tình dục tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng hình thức xử ký kỷ luật sa thải khi:

- Có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (như đã trình bày phần trên)

- Được quy định trong nội quy lao động.

Cụ thể, Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động phải ban hành Nội quy lao động và Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục, gồm:

-  Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, khi nhân viên của công ty có hành vi được xác định là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (như đã phân tích ở trên) mà hành vi này được quy định cụ thể trong nội quy lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì khi đó công ty bạn hoàn toàn có quyền áp dụng hình thức sa thải đối với nhân viên.

Cần lưu ý gì khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải?

Theo Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, không áp dụng hình thức kỷ luật sa thải trong các thời gian sau:

- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

- Đang bị tạm giữ, tạm giam;

- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

- Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Người sử dụng lao động cần lưu ý quy định này để tránh không vi phạm pháp luật khi sa thải người lao động.

Trên đây là giải đáp về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị sa thải? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải khi nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X