hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 19/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bản vẽ hoàn công xây dựng là gì? Mẫu bản vẽ hoàn công mới nhất 2023

Bản vẽ hoàn công xây dựng là loại bản vẽ gì, được lập khi nào? Có giống bản vẽ thiết kế không? Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

Mục lục bài viết
  • Quy định bản vẽ hoàn công xây dựng mới nhất
  • Bản vẽ hoàn công xây dựng là gì?
  • Lập bản vẽ hoàn công xây dựng khi nào?
  • Mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng là mẫu nào?
  • Bản vẽ hoàn công khác bản vẽ thiết kế ra sao?

Quy định bản vẽ hoàn công xây dựng mới nhất

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi bản vẽ hoàn công xây dựng hiện nay được quy định cụ thể như thế nào?

Bản vẽ hoàn công xây dựng được lập khi nào? Có khác gì so với bản vẽ thiết kế?

Trong bản vẽ hoàn công thì ai là người ký xác nhận?

Xin cảm ơn Luật sư đã hỗ trợ xử lý.

Bản vẽ hoàn công xây dựng là gì?

Khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2021 của Chính phủ định nghĩa bản vẽ hoàn công xây dựng công trình/bản vẽ hoàn công là bản vẽ của công trình xây dựng đã hoàn thành, trong đó, thể hiện kích thước, vị trí, vật liệu và các thiết bị được sử dụng thực tế để xây dựng công trình.

Từ định nghĩa trên, suy ra, bản vẽ hoàn công xây dựng là bản vẽ được lập sau khi đã hoàn thành việc thi công xây dựng công trình.

Việc hoàn thành thi công xây dựng công trình được hiểu là hoàn thành thi công công trình theo bản vẽ thiết kế, bản vẽ xây dựng, lắp đặt toàn bộ thiết bị, đang hoặc đã thực hiện nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành.

Có thể nói, bản vẽ hoàn công xây dựng là hình ảnh trực quan của công trình được mô tả trên giấy sau khi công trình/hạng mục công trình đã hoàn thành việc xây dựng, tiến hành nghiệm thu.

Do bản vẽ hoàn công thể hiện sự hoàn chỉnh của công trình xây dựng, là căn cứ để bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, khai thác nên cần đòi hỏi sự chính xác, đúng theo hiện trạng và quy định pháp luật về hình thức của bản vẽ hoàn công.

Như vậy, bản vẽ hoàn công xây dựng công trình/hạng mục công trình chính là bản vẽ thể hiện các thông số về kích thước, vật liệu, vị trí, thiết bị được sử dụng trong thi công xây dựng công trình.

Bản vẽ hoàn công là căn cứ để thực hiện các công việc liên quan đến bàn giao công trình cho chủ sở hữu để khai thác, sử dụng, do vậy cần phải được lập chính xác và đúng chuẩn quy định.

Bản vẽ hoàn công xây dựng 2023Bản vẽ hoàn công xây dựng 2023


Lập bản vẽ hoàn công xây dựng khi nào?

Pháp luật hiện hành không định nghĩa thời điểm lập bản vẽ hoàn công là thời điểm nào, nhưng dựa trên một số những ý nghĩa, công dụng của bản vẽ hoàn công, suy ra thời điểm lập bản vẽ hoàn công là khi đã nghiệm thu công trình xây dựng/hạng mục công trình xây dựng hoàn thành.

Thông thường, để tiết kiệm thời gian và để cập nhật đúng tiến độ thi công xây dựng, bản vẽ hoàn công được lập song song cùng với việc nghiệm thu xây dựng công trình.

Hay, nghiệm thu công trình/hạng mục công trình ở giai đoạn nào, bộ phận/phần nào sẽ tiến hành lập bản vẽ hoàn công xây dựng tương ứng.

Lưu ý về một số ý nghĩa của bản vẽ hoàn công xây dựng công trình, hạng mục công trình như:

  • Là tài liệu được sử dụng làm căn cứ để thực hiện bảo trì công trình;

  • Là tài liệu bắt buộc trong quản lý chất lượng thi công công trình;

  • Là căn cứ để xác định trách nhiệm của các bên như thầu chính, thầu phụ, giám sát thi công;

  • Là văn bản được lập thể hiện các thông số chi tiết về công trình, hạng mục công trình sau khi đã hoàn thành, xác định được kết cấu, kích thước, vị trí, vật liệu, thiết bị sử dụng nên bản vẽ hoàn công xây dựng được lập sau giai đoạn nghiệm thu.

  • Là tài liệu được sử dụng làm căn cứ thực hiện đánh giá an toàn công trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

Như vậy, bản vẽ hoàn công xây dựng công trình được lập khi đã thực hiện nghiệm thu hạng mục, công trình hoàn thành.

Thông thường, để đảm bảo tiến độ thi công, việc lập bản vẽ hoàn công được tiến hành đồng thời với việc nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành.

Mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng 2023Mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng 2023


Mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng là mẫu nào?

Trước hết, pháp luật hiện hành không quy định mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng công trình mà quy định về những nội dung, yêu cầu cần phải được thể hiện trong bản vẽ.

Lý do là bởi vì mỗi bản vẽ hoàn công xây dựng công trình được thể hiện, lập theo hạng mục, công trình đã hoàn thành, vậy nên, không thể có một mẫu chung áp dụng cho toàn bộ các công trình xây dựng hiện nay.

Căn cứ Phụ lục IIB ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP có 2 vấn đề chính khi lập bản vẽ hoàn công mà người lập phải tuân thủ là quy tắc về lập bản vẽ hoàn công và mẫu dấu sử dụng tại bản vẽ hoàn công.

Cụ thể như sau:

Một là, quy tắc lập bản vẽ hoàn công

  • Bản vẽ hoàn công xây dựng là bản được chụp lại (photocopy) từ bản vẽ thi công và được các bên liên quan đóng dấu, xác nhận nếu kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình, công trình xây dựng không vượt quá sai số cho phép so với kích thước, thông số thiết kế của bản vẽ thi công;

    • Nếu kích thước, thông số thực tế có khác biệt so với bản vẽ thi công được phê duyệt thì nhà thầu thi công được phép ghi lại các trị số, kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn ở vị trí bên cạnh/hoặc bên dưới các trị số kích thước, thông số cũ trong tờ bản vẽ được chụp lại từ bản vẽ thi công để làm bản vẽ hoàn công;

  • Nhà thầu thi công xây dựng có thể lập/vẽ lại bản vẽ hoàn công mới, có khung tên bản vẽ hoàn công tương tự như mẫu dấu bản vẽ hoàn công quy định tại Phụ lục IIB ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP trong trường hợp cần thiết;

  • Đối với các bộ phận công trình bị che khuất thì buộc phải lập bản vẽ hoàn công xây dựng/hoặc được đo đạc, xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành các công việc tiếp theo của dự án;

  • Đối với nhà thầu là nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh phải có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công tương ứng với phần công việc do mình thực hiện và không được ủy quyền thực hiện cho các thành viên khác trong liên danh;

Hai là, mẫu dấu sử dụng trong bản vẽ hoàn công

Mẫu số 1: Áp dụng trong trường hợp không phải là tổng thầu xây dựng thi công xây dựng (kích thước dấu tùy thuộc kích cỡ chữ)

TÊN NHÀ THẦU THI CÔNG XÂY DỰNG

BẢN VẼ HOÀN CÔNG

Ngày……tháng……năm……

Người lập
(Ghi rõ họ tên, chức vụ, chữ ký)

Chỉ huy trưởng công trình hoặc giám đốc dự án
(Ghi rõ họ tên, chữ ký)

Tư vấn giám sát trưởng
(Ghi rõ họ tên, chức vụ, chữ ký)

Mẫu số 2: Áp dụng trong trường hợp hình thức tổng thầu xây dựng thi công xây dựng
(kích thước dấu tùy thuộc kích cỡ chữ)

TÊN NHÀ THẦU THI CÔNG XÂY DỰNG

BẢN VẼ HOÀN CÔNG

Ngày……tháng…..năm…..

Người lập
(Ghi rõ họ tên, chức vụ, chữ ký)

Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu phụ
(Ghi rõ họ tên, chữ ký)

Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của tổng thầu
(Ghi rõ họ tên, chữ ký)

Tư vấn giám sát trưởng
(Ghi rõ họ tên, chức vụ, chữ ký)

Như vậy, mẫu bản vẽ hoàn công xây dựng công trình hiện nay chưa được pháp luật ban hành mẫu áp dụng cho mọi công trình.

Thay vào đó, Phụ lục IIB ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về quy tắc lập bản vẽ hoàn công xây dựng và mẫu dấu được sử dụng trong bản vẽ hoàn công đó.

Các đơn vị, các nhân, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công xây dựng theo những quy định về bản vẽ hoàn công tại Phụ lục IIB này.

Chữ ký trên bản vẽ hoàn công xây dựngChữ ký trên bản vẽ hoàn công xây dựng


Bản vẽ hoàn công khác bản vẽ thiết kế ra sao?

Trước hết, bản vẽ hoàn công và bản vẽ thiết kế đầu tiên là ở định nghĩa của loại bản vẽ, mục đích sử dụng, người lập, chi tiết việc phân biệt được thực hiện như sau:

Tiêu chí phân biệt

Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình
(Luật Xây dựng 2014)

Bản vẽ hoàn công xây dựng công trình
(Nghị định 06/2021/NĐ-CP)

Định nghĩa

Là bản vẽ được lập trước khi thi công xây dựng công trình, bao gồm:

  • Bản vẽ thiết kế sơ bộ: Được lập trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng, thể hiện những ý tưởng ban đầu về công trình xây dựng;

  • Bản vẽ thiết kế cơ sở: Được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng dựa trên bản vẽ thiết kế sơ bộ được lựa chọn;

  • Bản vẽ thiết kế kỹ thuật: Là bản vẽ được lập nhằm mục đích thực hiện cụ thể hóa thiết kế cơ sở tại thời điểm sau khi dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt (thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng);

  • Bản vẽ thiết kế thi công xây dựng: Là bản vẽ được lập thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu xây dựng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình;

Là bản vẽ được lập sau khi đã hoàn thành công trình xây dựng, ghi nhận lại kích thước, vị trí, thiết bị, vật liệu được sử dụng trong quá trình thi công xây dựng công trình

Mục đích sử dụng

  • Bản vẽ thiết kế sơ bộ: Thể hiện những ý tưởng ban đầu của thiết kế xây dựng, lựa chọn sơ bộ về dây chuyền công nghệ/thiết bị để làm cơ sở xác định chủ trương đầu tư xây dựng;

  • Bản vẽ thiết kế có sở: Được sử dụng dể thể hiện thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và là căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo;

  • Bản vẽ thiết kế kỹ thuật: Được sử dụng để thể hiện các giải pháp/thông số kỹ thuật/vật liệu sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng/và là cơ sở để lập, thiết kế bản vẽ thi công;

  • Bản vẽ thi công xây dựng công trình: Là bản vẽ thể hiện toàn bộ các thông số kỹ thuật, vật liệu xây dựng sử dụng, chi tiết cấu tạo phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và là căn cứ để đảm bảo triển khai thi công xây dựng công trình;

    • Bản vẽ thi công xây dựng công trình là căn cứ để lập bản vẽ hoàn công;

Thể hiện các thông số thiết kế, kích thước như vị trí, vật liệu sử dụng, kích thước, thiết bị được sử dụng trong công trình xây dựng

Người lập

Chủ đầu tư

Chủ thầu (đơn vị thi công)

Thời điểm lập, thiết kế bản vẽ

Trước khi thi công xây dựng công trình

Sau khi hoàn thành thi công xây dựng công trình

Như vậy, để phân biệt bản vẽ hoàn công xây dựng và bản vẽ thiết kế (gồm các loại bản vẽ thiết kế như chúng tôi đã liệt kê ở trên) thông qua các tiêu chí như định nghĩa, người lập, thiết kế bản vẽ,...

Bản vẽ hoàn công, bản vẽ thiết kế đều là những bản vẽ được chủ đầu tư, chủ thầu lưu trữ nhằm mục đích quản lý thi công xây dựng, bảo trì công trình sau khi đã đưa vào sử dụng, khai thác.

Bản vẽ hoàn công ai ký?

Căn cứ Phụ lục IIB ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bản vẽ hoàn công do đơn vị thi công/chủ thầu xây dựng lập, trong đó, phải có chữ ký, dấu của những người/tổ chức sau đây:

Trường hợp 1: Thi công theo hình thức không phải là tổng thầu xây dựng thi công xây dựng

  • Người lập (thuộc đơn vị thầu thi công);

  • Chỉ huy trưởng công trình hoặc giám đốc dự án;

  • Tư vấn giám sát trưởng;

Trường hợp 2: Thi công theo hình thức tổng thầu xây dựng thi công xây dựng

  • Người lập bản vẽ;

  • Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu phụ;

  • Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của tổng thầu;

  • Tư vấn giám sát trưởng;

Như vậy, tùy thuộc hình thức thi công xây dựng công trình là tổng thầu xây dựng hoặc không phải tổng thầu xây dựng mà bản vẽ hoàn công xây dựng yêu cầu phải có chữ ký của các bên khác nhau.

Những người này bao gồm tư vấn giám sát, người lập bản vẽ, người chịu trách nhiệm đối với dự án (như tổng thầu và thầu phụ/hoặc giám đốc dự án).

Thông qua chữ ký, xác nhận của các bên thể hiện sự đồng ý, chấp thuận của các đơn vị/tổ chức và là căn cứ để xác định trách nhiệm của các bên đối với công trình xây dựng.

Thời gian làm hoàn công xây dựng nhà ởThời gian làm hoàn công xây dựng nhà ở


Hoàn công nhà bao lâu sau khi có bản vẽ?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi việc lập bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ở sau bao lâu thì có kể từ thời điểm đã hoàn thành xây dựng?

Việc hoàn công nhà mất bao lâu nếu đã có bản vẽ hoàn công?

Và gia đình chúng tôi có mất tiền khi thực hiện thủ tục lập bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ở riêng lẻ không?

Chào bạn, chi phí, thời gian thực hiện hoàn công sau khi đã có bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân được chúng tôi giải đáp như sau:

Hoàn công mất bao lâu khi đã lập bản vẽ hoàn công?

Như chúng tôi đã trình bày, công trình xây dựng sau khi đã hoàn thành cần phải thực hiện thủ tục nghiệm thu, hoàn công để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Pháp luật hiện hành không định nghĩa hoàn công xây dựng nhà ở là gì, mà việc hoàn công xây dựng trên thực tế có thể hiểu rằng là việc chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ thầu thực hiện nghiệm thu công trình sau khi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là nhà ở.

Do vậy, thời gian hoàn công nhà không được xác định cụ thể là bao lâu do phải dựa trên 2 mốc thời gian sau:

  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất: Do chủ sở hữu tự lựa chọn thực hiện;

  • Giải quyết yêu cầu đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất: Không quá 30 ngày nếu là đăng ký, cấp sổ lần đầu; không quá 15 ngày nếu là đăng ký biến động (Nghị định 01/2017/NĐ-CP);

Một số lưu ý khi thực hiện hoàn công nhà ở riêng lẻ:

Việc lập bản vẽ hoàn công xây dựng chính là thực hiện chụp lại bản vẽ thiết kế thi công xây dựng công trình và được bên chủ thầu ký xác nhận, người lập ký xác nhận (khi việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải xin giấy phép xây dựng hoặc được miễn giấy phép xây dựng nhưng có bản vẽ thiết kế thi công xây dựng công trình);

Trong trường hợp, xây dựng nhà ở mà không có sơ đồ/bản vẽ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng trong giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở thì chủ sở hữu phải lập sơ đồ nhà ở khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất (Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT);

Như vậy, thời gian hoàn công xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện sau khi có bản vẽ hoàn công xây dựng có thể hiểu gồm thời gian chủ sở hữu chuẩn bị hồ sơ thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở và thời gian giải quyết yêu cầu.

Thời gian này không được xác định cụ thể, nhưng có thể căn cứ quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, suy ra, chủ sở hữu mất tối thiểu 15 ngày để hoàn thành thủ tục hoàn công.

Phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ởPhí lập bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ở


Làm bản vẽ hoàn công xây dựng có mất tiền không?

Về nguyên tắc, bản vẽ hoàn công xây dựng do đơn vị thi công, đơn vị thầu lập.

Căn cứ Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bản vẽ này được chụp lại từ bản vẽ thiết kế thi công xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ hoặc được lập mới nếu thấy cần thiết.

Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu việc thi công xây dựng mà do chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện, tự lập bản vẽ thì không mất phí.

  • Trường hợp phải có tổ chức cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lâp bản vẽ thiết kế thi công thì chủ đầu tư/chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ thì chi phí để thực hiện lập bản vẽ hoàn công xây dựng nhà ở có thể được tính chính gộp là chi phí thuê đơn vị có chuyên môn lập bản vẽ thi công xây dựng;

  • Nếu hạch toán riêng biệt theo giai đoạn thì chủ sở hữu công trình cũng không phải chịu phí khi lập bản vẽ hoàn công, do đây là trách nhiệm của bên thầu xây dựng;

Tuy nhiên, trên thực tế, có một vài trường hợp theo thỏa thuậ, hoặc các bên muốn lập bản vẽ hoàn công mới, hoặc chủ thầu không thực hiện/thực hiện không đầy đủ, chủ đầu tư có thể vẫn chịu khoản chi phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng cho căn nhà của mình.

Kết luận: Chủ sở hữu/chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ chắc chắn không mất phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng nếu việc thi công, nghiệm thu, hoàn thành do chủ đầu tư tự thực hiện.

Các trường hợp còn lại, việc có chịu phí hay không phụ thuộc vào thỏa thuận, năng lực, nhu cầu của chủ đầu tư, đơn vị thầu thi công.

Trên đây là giải đáp về bản vẽ hoàn công xây dựng​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X