Bảo hiểm xã hội góp phần bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hết tuổi lao động…trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Thực tế hiện nay, quy định đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Quy định đối tượng đóng bảo hiểm xã hội
Theo Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:
1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ…có thời hạn từ đủ 03 tháng - dưới 12 tháng…
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng - dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an…
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (kể cả người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH);
- Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề…
2. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Quy định các chế độ bảo hiểm xã hội
Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về chế độ bảo hiểm. Cụ thể:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ:
- Ốm đau
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc được giải quyết các chế độ trên khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 2 chế độ:
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Ngoài ra còn có bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định
Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu
Theo Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định:
a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
b) Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Và tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 của Bộ Lao động Thương binh xã hội:
Từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt…
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương…
Ngoài ra, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ…
Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Với người lao động là công dân Việt Nam
Chế độ bảo hiểm | BHXH | BHTN | BHYT | Tổng cộng | ||
HT | ÔĐ-TS | TNLĐ-BNN | ||||
Người sử dụng lao động | 14% | 3% | 0,5% | 1% | 3% | 21,5% |
Người lao động | 8% | - | - | 1% | 1,5% | 10,5% |
32% |
- Với người lao động nước ngoài
Chế độ bảo hiểm | BHXH | BHTN | BHYT | Tổng cộng | ||
HT | ÔĐ-TS | TNLĐ-BNN | ||||
Người sử dụng lao động | - | 3% | 0,5% | - | 3% | 6,5% |
Người lao động | - | - | - | - | 1,5% | 1,5% |
8% |
Lưu ý: Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 - hết 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, trừ các đối tượng:
Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Được quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 134/2015 của Chính phủ và được hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư 01/2016 của Bộ Lao động Thương binh xã hội như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng, người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
- Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Cụ thể vào thời điểm năm 2021:
- Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn: 700.000 đồng/người/tháng
- Mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng/người/tháng.
Như vậy: mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 thấp nhất hàng tháng: 22% x 700.000 = 154.000 đồng/tháng.
Và mức BHXH tự nguyện năm 2021 cao nhất: 22% x (20 x 1.490.000) = 6.556.000 đồng/tháng.
Hiện nay có 5 phương thức đóng BHXH tự nguyện:
1. Đóng hằng tháng;
2. Đóng 03 tháng một lần;
3. Đóng 06 tháng một lần;
4. Đóng 12 tháng một lần;
5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
(Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015 của Chính phủ)
Bên cạnh đó, nếu người tham gia BHXH đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trên đây là giải đáp liên quan đến quy định đóng bảo hiểm xã hội. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng VssID như thế nào?