hieuluat
Chia sẻ email

Quy định ghi nhãn thực phẩm mới nhất ra sao?

Ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm là việc cần thiết để người tiêu dùng có thể dựa vào nội dung trên nhãn, biết rõ hơn về sản phẩm, quyết định sử dụng hay không. Việc ghi nhãn nhằm giúp nhà sản xuất đưa thông tin, quảng bá cho hàng hóa, đồng thời thuận lợi cho việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Vậy, quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm thế nào?


Câu hỏi: Tôi muốn biết quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm hiện nay thế nào? Những nội dung nào bắt buộc ghi trên nhãn?

Quy định ghi nhãn thực phẩm thế nào?

1. Vị trí nhãn hàng hóa thực phẩm

Theo Điều 4 Nghị định 43/2017 của Chính phủ thì nhãn hàng hóa:

- Phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát

- Có thể nhận biết dễ dàng

- Đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

2. Ngôn ngữ ghi trên nhãn thực phẩm

Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được thể hiện bằng Tiếng Việt.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn Nghị định 43/2017 về ghi nhãn thực phẩm, hàng hóa như sau:

- Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác.

- Nếu dịch ra ngôn ngữ khác, nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt.

- Những nội dung không bắt buộc thể hiện bằng ngôn ngữ khác không được làm sai lệch bản chất, công dụng của hàng hóa, không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn hàng hoá.

Ngoài ra, tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó.

Còn tại Điều 7 Nghị định 43/2017:

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

quy dinh ghi nhan thuc pham

3. Tên thực phẩm trên nhãn

Quy định tại Điều 11, Nghị định 43:

- Phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn.

- Chữ viết tên thực phẩm phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn.

Tên thực phẩm ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt nhưng không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng, thành phần của hàng hóa.

Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.

4. Ghi thành phần, thành phần định lượng

Điểm a, khoản 3 Điều 15 Nghị định 43 nêu rõ:

- Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.

Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi:

- Tên nhóm chất phụ gia,

- Tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có);

Trong trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, phải ghi tên nhóm hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất (nếu có), đồng thời ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”;

Khoản 5 Điều 17 Nghị định này còn quy định đối với thực phẩm ghi giá trị dinh dưỡng:

- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thể hiện giá trị dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa, thể hiện khoảng giá trị dinh dưỡng tuân thủ quy định của pháp luật.

- Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì ghi giá trị trung bình của khoảng giá trị dinh dưỡng.

- Đối với thực phẩm thủy sản nếu bổ sung nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm thì ghi thêm thành phần định lượng của nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm tương ứng.

5. Ngày sản xuất, hạn sử dụng

Quy định tại Điều 14 Nghị định 43:

- Ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch.

- Nếu ghi theo thứ tự khác, phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.

Với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, ngày sản xuất là ngày cấp đông lần đầu tiên của sản phẩm. Hạn sử dụng là ngày được nhà sản xuất tại nước sản xuất ghi trên bao bì hàng hóa xuất khẩu.

Nội dung bắt buộc ghi nhãn thực phẩm là gì?

Theo Quy định tại Phụ lục I, Nghị định 43 năm 2017 nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thực phẩm như bảng dưới dây:

Tên thực phẩm

Nội dung bắt buộc

Thực phẩm

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Thành phần hoặc thành phần định lượng

- Thông tin, cảnh báo

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Thành phần, thành phần định lượng hoặc giá trị dinh dưỡng

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

- Công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có)

- Ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”

- Ghi cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Thực phẩm đã qua chiếu xạ

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Thành phần hoặc thành phần định lượng

- Thông tin cảnh báo

- Ghi cụm từ: “Thực phẩm đã qua chiếu xạ”

Thực phẩm biến đổi gen

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Thành phần hoặc thành phần định lượng

- Thông tin cảnh báo

- Ghi cụm từ: “Thực phẩm biến đổi gen” hoặc “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng.

Phụ gia thực phẩm

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Thành phần định lượng

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

- Ghi cụm từ: “Phụ gia thực phẩm”

- Thông tin cảnh báo (nếu có).

Nguyên liệu thực phẩm

- Tên nguyên liệu

- Định lượng

- Ngày sản xuất

- Hạn sử dụng

- Hướng dẫn sử dụng và bảo quản.


Trên đây là giải đáp liên quan đến quy định về ghi nhãn thực phẩm. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X