Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hằng năm là trong khoảng từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, có thể thời gian này sẽ có sự thay đổi so với những năm trước.
Thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023
Khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về thời gian khám sức khỏe hằng năm thường diễn ra từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12.
Nếu có gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ 02, thời gian khám sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho đợt nhập ngũ đầu năm 2022 sẽ diễn ra từ 01/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Các tỉnh, thành cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để sắp xếp lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho phù hợp.
Nếu cần thiết gọi công dân nhập ngũ lần 2 vào năm 2023 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian khám.
Sẽ có 01 đợt khám sơ tuyển tại cấp xã do Trạm y tế xã tiến hành trước đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2023 do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện.
Về thời gian gọi nhập ngũ theo quy định tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
Hằng năm, công dân sẽ được gọi nhập ngũ một lần vào tháng 02 hoặc tháng 03; Nếu vì lý do quốc phòng, an ninh và cần thiết sẽ được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai.
Riêng với các địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm: được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ sao cho phù hợp.
Công dân sẽ có 01 đợt khám sơ tuyển tại cấp xã do Trạm y tế xã tiến hành. Ảnh minh họa.
Đi khám nghĩa vụ quân sự mang theo giấy tờ gì?
Điều 10 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định yêu cầu công dân khi đi kiểm tra, sơ tuyển, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự phải xuất trình:
1. Lệnh gọi khám sức khỏe/kiểm tra sức khỏe của Ban chỉ huy quân sự huyện
2. Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân
3. Giấy tờ liên quan đến sức khỏe (nếu có) giao cho Hội đồng khám sức khỏe hoặc Tổ kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, người đi khám nghĩa vụ quân sự không được uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích; phải chấp hành nội quy khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.
Đồng thời nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc khám sức khỏe để trốn, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tiêu chuẩn sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự 2022
Theo quy định, sẽ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 tham gia nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
Theo đó, 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự gồm:
1. Chỉ tiêu về thể lực chung (Cân nặng, chiều cao, vòng ngực)
2. Chỉ tiêu về mắt
3. Chỉ tiêu về răng
4. Chỉ tiêu về tai - mũi - họng
5. Chỉ tiêu về tâm thần và thần kinh
6. Chỉ tiêu về nội khoa
7. Chỉ tiêu về da liễu
8. Chỉ tiêu về ngoại khoa
08 chỉ tiêu này được chấm điểm chi tiết theo mức điểm từ 1 đến 6.
- Sức khỏe rất tốt: Điểm 1
- Sức khỏe tốt: Điểm 2
- Sức khỏe khá: Điểm 3
- Sức khỏe trung bình: Điểm 4
- Sức khỏe kém: Điểm 5
- Sức khỏe rất kém: Điểm 6
Dựa trên số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại:
- 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1: Sức khỏe loại 1
- Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2: Sức khỏe loại 2
- Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3: Sức khỏe loại 3
- Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4: Sức khỏe loại 4
- Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5: Sức khỏe loại 5
- Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6: Sức khỏe loại 6
Ngoài ra, sẽ không gọi nhập ngũ công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị); nghiện ma túy, nhiễm HIV…
Sẽ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1 loại 2, loại 3 tham gia nghĩa vụ quân sự. Ảnh minh họa.
Bị loạn thị có đi nghĩa vụ quân sự được không?
Theo Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, người có tật loạn thị các loại sẽ được cho điểm 6.
Như vậy, người loạn thị sẽ được xếp loại sức khỏe thuộc loại 6 vì có 1 tiêu chí bị điểm 6 và sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe phục vụ tại ngũ.
Tuy nhiên, nếu công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ vì loạn thị nếu khắc phục được tật khúc xạ, đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khoẻ vẫn được gọi nhập ngũ.
Như vậy, con trai bạn bị loạn thị sẽ được hoãn nhập ngũ, tuy nhiên sau khi khắc phục được tật khúc xạ mắt vẫn được gọi nhập ngũ như bình thường.
Trốn khám nghĩa vụ quân sự 2023 bị phạt thế nào?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng nếu không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.- Phạt tiền từ 12 - 15 triệu đồng nếu cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng nếu có một trong các hành vi:
+ Gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Vừa rồi là những giải đáp liên quan đến khám nghĩa vụ quân sự. Nếu bạn còn vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Đi nghĩa vụ quân sự năm 2022, cần lưu ý những gì?