hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 30/12/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định mới về nâng ngạch công chức từ ngày 01/7/2020

Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Để được nâng ngạch, công chức phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Hiện nay, chỉ nâng ngạch thông qua thi tuyển

Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 nêu rõ, việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi tuyển.

Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch.

Cụ thể, theo khoản 14 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, công chức được thi nâng ngạch khi có đủ điều kiện:

- Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không trong thời gian đang xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;

- Có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.

quy định mới về nâng ngạch công chức

Quy định mới về nâng ngạch công chức

Từ 01/7/2020, có thể xét nâng ngạch công chức

Ngày 25/11/2019 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, áp dụng từ ngày 01/7/2020. Đáng chú ý tại Luật Cán bộ, công chức sửa đổi này là những nội dung liên quan đến việc nâng ngạch công chức.

Theo đó, bên cạnh việc duy trì hình thức thi nâng ngạch, thì tới đây, sẽ bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch.

Lúc này, để được xét nâng ngạch, điều kiện của công chức có phần “khắt khe” hơn:

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự xét;

- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Với quy định này có thể thấy, ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người thi nâng ngạch thì công chức xét nâng ngạch còn phải có những thành tích cũng như chức vụ nhất định trong cơ quan, đơn vị.

Xem thêm:

Bảng lương cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 mới nhất

Viên chức được chuyển sang công chức mà không cần thi tuyển?

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X