Tài sản cố định có ý nghĩa trong việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao. Có hai loại tài sản cố định là tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình. Hiện nay, quy định trích khấu khao tài sản cố định mới nhất như thế nào?
Trích khấu hao tài sản cố định là gì?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 45 năm 2013 của Bộ Tài chính về tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình được định nghĩa như sau:
1. Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...
2. Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...
Tại khoản 9, khoản 10 Điều 2 Thông tư 45/2013 của Bộ Tài chính thì:
Khấu hao tài sản cố định: là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.
Như vậy, trích khấu hao tài sản cố định có thể hiểu là việc phân bổ có hệ thống giá trị hao mòn khi sử dụng tài sản cố định trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian trích khấu hao tài sản cố định: là thời gian cần thiết mà doanh nghiệp thực hiện việc trích khấu hao để thu hồi vốn đầu tư tài sản cố định.
Những tài sản cố định nào phải trích khấu hao?
Theo Điều 9 Thông tư 45/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 147/2016 của Bộ Tài chính, quy định trích khấu hao tài sản cố định mới nhất thì tất cả tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ:
- Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tài sản cố định khấu hao chưa hết bị mất.
- Tài sản cố định khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê tài chính).
- Tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
- Tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp)
- Tài sản cố định từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
- Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
Riêng các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng:
không phải trích khấu hao, chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn hàng năm của từng tài sản và không được ghi giảm nguồn vốn hình thành tài sản.
Quy định phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mới nhất
Căn cứ Điều 13 Thông tư 45 có 03 phương pháp trích khấu hao tài sản. Tùy vào khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng loại tài sản cố định.
1. Phương pháp khấu hao đường thẳng: trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp được khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp này để nhanh chóng đổi mới công nghệ.
Tài sản cố định được trích khấu hao nhanh: máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm; thiết bị và phương tiện vận tải; dụng cụ quản lý; súc vật, vườn cây lâu năm.
Ngoài ra, khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi.
2. Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh: áp dụng với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có công nghệ đòi hỏi phải thay đổi, phát triển nhanh.
Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh, phải thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Tài sản cố định được đầu tư mới (chưa qua sử dụng);
- Các loại máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm.
3. Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.
Là các loại máy móc, thiết bị đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, trực tiếp liên quan đến sản xuất sản phẩm;
Thứ 2, xác định được tổng số lượng, khối lượng sản phẩm sản xuất theo công suất thiết kế của tài sản cố định;
Và cuối cùng, công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm tài chính không thấp hơn 100% công suất thiết kế.
Ngoài ra, doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao tài sản cố định theo quy định và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.
Bên cạnh đó, phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng tài sản cố định mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng tài sản cố định.
Nếu trong trường hợp phải thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng tài sản cố định nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trên đây là giải đáp về quy định trích khấu hao tài sản cố định mới nhất. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.