Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật là các chức năng lãnh đạo của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay ra sao?
Kiểm tra, giám sát của Đảng là gì?
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 3, Quy định 22-QĐ/TW quy định:
Kiểm tra của Đảng: việc các tổ chức Đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và Đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Giám sát của Đảng: việc các tổ chức Đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động, kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và Đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị…của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).
Quy định về nguyên tắc công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Cụ thể, Điều 2 Quy định 22-QĐ/TW về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát của Đảng như sau:
- Kiểm tra, giám sát là các chức năng lãnh đạo của Đảng; tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, tổ chức Đảng và Đảng viên cũng phải thường xuyên tự kiểm tra.
-Tổ chức Đảng cấp trên: kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng cấp dưới, Đảng viên.
Ngoài ra, tổ chức Đảng, Đảng viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo sự phân công của tổ chức Đảng có thẩm quyền.
- Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện các nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung;
Đồng thời phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và Đảng viên, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.
- Phải tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, chính xác, nghiêm minh…
Mọi tổ chức Đảng và Đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có trường hợp ngoại lệ.
- Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật Đảng được quy định tại Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương…
Mọi tổ chức Đảng và Đảng viên phải tuân thủ nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật được thống nhất, chặt chẽ, công minh, chính xác, kịp thời.
Chủ thể và đối tượng kiểm tra, giám sát của Đảng gồm những ai?
Cũng theo Điều 3, Quy định 22:
1. Chủ thể kiểm tra, giám sát bao gồm: Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, ban thường vụ Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các ban Đảng, văn phòng cấp ủy ban cán sự Đảng, Đảng đoàn.
Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, vi phạm (nếu có); kết luận đối với tổ chức Đảng, Đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ cấp trên giao.
2. Đối tượng kiểm tra, giám sát bao gồm: Chi ủy, chi bộ, Đảng ủy bộ phận, ban thường vụ Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; Đảng viên.
Trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát:
- Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát; báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực về các nội dung được yêu cầu.
- Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.
- Được sử dụng bằng chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo, giải trình; bảo lưu ý kiến và được đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình…
Kỷ luật Đảng viên, tổ chức Đảng thực hiện thế nào?
Theo Điều 13 Quy định 22-QĐ/TW trình tự xem xét, quyết định kỷ luật được quy định như sau:
1. Đối với Đảng viên
Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức Đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật.
Trong trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật.
Cấp ủy hướng dẫn Đảng viên vi phạm kỷ luật chuẩn bị bản tự kiểm điểm.
- Hội nghị chi bộ thảo luận, góp ý và kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ và biểu quyết (đề nghị hoặc quyết định) kỷ luật.
- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp:Vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao; nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết; vi phạm trước khi chuyển đến sinh hoạt ở chi bộ.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu Đảng viên phải kiểm điểm trước chi bộ.
- Đảng viên sinh hoạt Đảng tạm thời, nếu vi phạm kỷ luật thì cấp ủy nơi Đảng viên sinh hoạt tạm thời có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật tới mức cảnh cáo.
Sau khi xử lý kỷ luật phải có thông báo bằng văn bản cho cấp ủy nơi Đảng viên sinh hoạt chính thức biết.
- Tổ chức Đảng cấp trên có thẩm quyền khi phát hiện cấp ủy viên các cấp, Đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý có vi phạm phải chỉ đạo tổ chức Đảng cấp dưới, trước hết là chi bộ xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
Trường hợp tổ chức Đảng cấp dưới không xem xét, xử lý hoặc xử lý không đúng mức thì tổ chức Đảng có thẩm quyền cấp trên xem xét, xử lý kỷ luật; đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức Đảng cấp dưới và người đứng đầu tổ chức Đảng đó.
2. Đối với tổ chức Đảng
- Phải tự kiểm điểm
- Tự nhận hình thức kỷ luật
- Báo cáo cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.
Trường hợp tổ chức Đảng sau khi chuyển giao, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động mới phát hiện có vi phạm: tổ chức Đảng có thẩm quyền cấp trên của tổ chức Đảng đó xem xét, xử lý.
Điều 10 Quy định 22-QĐ/TW quy định các hình thức kỷ luật của Đảng: - Đối với tổ chức Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán. - Đối với Đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. - Đối với Đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. |
Trên đây là giải đáp liên quan đến quy định về công tác kiểm tra giám sát của Đảng. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.