hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cập nhật quy trình xử lý kỷ luật đảng viên mới nhất

Khi đảng viên vi phạm sẽ bị áp dụng xử lý kỷ luật. Vậy quy trình xử lý kỷ luật đảng viên mới nhất hiện nay gồm các bước nào? Cơ quan nào có thẩm quyền kỷ luật đảng viên? Khi nào quyết định kỷ luật có hiệu lực?

1. Xử lý kỷ luật đảng viên dựa trên các nguyên tắc nào?

Hiện tôi cũng đang đứng trong hàng ngũ của Đảng, sinh hoạt tại quê tôi ở Thanh Hóa. Xin được hỏi Vanbanluat việc xử lý kỷ luật đảng viên được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào theo quy định đang được áp dụng hiện nay ạ? (Phan Vân – Thanh Hóa).

Theo quy định tại Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 được hướng dẫn bởi Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018, xử lý kỷ luật đảng viên dựa trên các nguyên tắc cụ thể sau:

– Tất cả Đảng viên, không phân biệt ở cương vị nào đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng;

– Khi xem xét, xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, việc xác định hình thức xử lý kỷ luật được áp dụng không chỉ căn cứ vào nội dung quy định của Đảng mà còn phải được xác định trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, các tình tiết tăng nặng – giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…;

– Đảng viên vi phạm đến mức phải khai trừ thì không áp dụng hình thức xóa tên trong danh sách Đảng viên mà buộc phải khai trừ; Đảng viên dự bị bị xử lý kỷ luật ngoài việc bị cảnh cáo hoặc khiển trách thì nếu không đủ tư cách Đảng viên thì còn có thể bị xóa tên ra khỏi Danh sách Đảng viên dự bị;

– Không được xử lý nội bộ đối với những trường hợp Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Khi Đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng thì cơ quan cấp ủy quản lý đảng viên đó phải có đề nghị cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nơi Đảng viên đó đang làm việc/tham gia xem xét, xử lý kỷ luật hành chính.

Quy trinh xu ly ky luat dang vien moi nhat

Cập nhật quy trình xử lý kỷ luật đảng viên mới nhất (Ảnh minh họa)

2. Có bao nhiêu hình thức kỷ luật đảng viên mới nhất hiện nay?

Một người bạn thân cùng cơ quan với tôi là đảng viên được gần 10 năm, mới nhận được quyết định kỷ luật. Xin cho hỏi, hiện nay, có bao nhiêu hình thúc kỷ luật đảng viên? Vương Khánh Trung – Đồng Nai

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng, các hình thức kỷ luật đảng viên bao gồm:

- Với tổ chức Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

- Đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

- Đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đặc biệt, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn bị xem xét, kết luận. Nếu vi phạm ở mức phải thi hành kỷ luật thì phải kỷ luật.

Đồng thời, Quy định 102 năm 2017 khẳng định:

- Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ;

- Đảng viên bị Tòa án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị phạt bằng hình thức thấp hơn như phạt cải tạo không giam giữ hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, tính chất, tác hại… mà xem xét, thi hành kỷ luật Đảng thích hợp;

- Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…

Như vậy, tùy vào từng đối tượng, mức độ, hành vi, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng… Đảng viên sẽ bị kỷ luật theo từng hình thức khác nhau.

3. Quy trình xử lý kỷ luật đảng viên mới nhất

Hôm nay, tôi có câu hỏi là thắc mắc từ lâu của tôi, tôi xin được gửi tới Vanbanluat, mong sớm nhận được phản hồi. Tôi đang tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương, bản thân là người luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhưng tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm về quy trình xử lý kỷ luật đảng viên mới nhất hiện nay. Vui lòng cung cấp thông tin giúp tôi. Tôi cảm ơn. (Độc giả Hữu Khuê – Đà Nẵng).

Căn cứ Quy định 102- QĐ/TW, Quyết định 30-QĐ/TW năm 2016 có thể thấy, quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên có sự khác nhau giữa trường hợp Đảng viên vi phạm mức phạt được áp dụng thấp hơn mức phạt cải tạo không giam giữ hay phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên. Cụ thể:

Trường hợp 1: Đảng viên có hành vi vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng mức án phạt được áp dụng thấp hơn mức phạt cải tạo không giam giữ.

Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 39 Quyết định 30 – QĐ/TW năm 2016 thì việc xử lý kỷ luật  đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật được thực hiện theo quy trình, trình tự như sau:

Bước 1:  Sau khi phát hiện và xác định hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của Đảng viên, thì trước chi bộ, Đảng viên vi phạm phải tự mình kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

Việc tự kiểm điểm của Đảng viên vi phạm được thực hiện dưới sự hướng dẫn của cấp Ủy. Hội nghị chi bộ sẽ thảo luận, xem xét, góp ý, ra kết luận về tính chất, mức độ hành vi vi phạm của Đảng viên này, từ đó biểu quyết kỷ luật.

Còn tổ chức Đảng vi phạm kỷ luật Đảng thì cơ quan lãnh đạo hoặc người đứng đầu của tổ chức Đảng đó chuẩn bị nội dung kiểm điểm, báo cáo trước hội nghị, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bước 2: Trước khi tiến hành họp để xem xét, quyết định kỷ luật về Đảng, đại diện tổ chức Đảng có thẩm quyền lắng nghe ý kiến của đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm. Quyết định về việc kỷ luật dựa trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Bước 3: Báo cáo lên cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp về Quyết định của cơ quan Đảng cấp dưới về việc kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Bước 4:  Thông báo đến cấp dưới, nơi có tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm về Quyết định của cấp trên về việc kỷ luật về Đảng đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Quyết định kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi được công bố.

Trường hợp không đồng ý với quyết định kỷ luật thì Đảng viên vi phạm hoặc tổ chức Đảng vi phạm có quyền khiếu nại lên cấp Ủy hoặc Ủy ban kiểm tra cấp trên hoặc Ban chấp hành Trung ương trong thời gian 01 tháng kể từ ngày nhận quyết định.

Trường hợp 2: Đảng viên có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị Tòa án tuyên án phạt từ phạt cải tạo không giam giữ trở lên.

Khi Đảng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà mức phạt có thể áp dụng từ phạt cải tạo không giam giữ thì sẽ bị xử lý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Trường hợp này, quy trình xử lý kỷ luật đối với Đảng viên trong trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 40 Quyết định 30 – QĐ/TW năm 2016. Cụ thể:

– Khi đảng viên vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà cơ quan có thẩm quyền phải bắt, khám xét khẩn cấp đối với Đảng viên này, thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự kiện bắt, khám xét, đảng viên là thủ trưởng của cơ quan có thẩm quyền này phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức Đảng nơi quản lý đảng viên vi phạm đó.

– Tổ chức Đảng có thẩm quyền thông qua quá trình điều tra, xác minh về hành vi của Đảng viên bị khởi tố, truy tố, tạm giam  có đến mức bị xử lý kỷ luật về Đảng hay không để chủ động xem xét, xử lý kỷ luật Đảng mà không nhất định phải chờ đến kết luận hoặc bản tuyên án của Tòa án.

– Sau đó, khi đã có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án, tổ chức đảng có thẩm quyền có thể xem xét lại việc kỷ luật Đảng viên vi phạm này nếu thấy cần thiết hoặc trong trường hợp mà pháp luật quy định.

Lưu ý: Không bắt buộc phải thực hiện việc xử lý kỷ luật theo quy trình xử lý kỷ luật về Đảng mà tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn có thể quyết định khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên (nếu là đảng viên dự bị).

Trường hợp bản án đã có hiệu lực của pháp luật bị hủy bỏ hoặc có sự thay đổi mức án hoặc vụ án bị đình chỉ do có dấu hiệu oan, sai thì tổ chức Đảng có thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng phải xem xét lại việc kỷ luật Đảng viên này, dù người này còn sống hay đã chết.

Có thể thấy, quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở mức độ, tính chất hành vi vi phạm, tùy thuộc vào việc có bị phạt với mức phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên hay không.

4. Khi nào quyết định kỷ luật đảng viên có hiệu lực?

Con trai tôi là đảng viên, sinh hoạt tại chi bộ Đảng tại trường của cháu, vì lý do cá nhân, cháu bị kỷ luật. Vậy cho tôi hỏi, khi nào quyết định kỷ luật này được chính thức có hiệu lực ạ? Nếu không đồng ý với quyết định kỷ luật đó thì cháu cần khiếu nại trong thời gian nào?

Về hiệu lực quyết định kỷ luật đảng viên, khoản 6 Điều 39 Điều lệ Đảng đã nêu rõ:

Kỷ luật Đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định

Mặc dù vậy, nếu Đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng 01 tháng, kể từ ngày nhận được kết luận có quyền khiếu nại với cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên.

Khi nhận được khiếu nại, cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra phải xem xét, giải quyết, trả lời cho Đảng viên biết.

Đáng lưu ý: Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, Đảng viên bị kỷ luật vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kỷ luật.

Sau 01 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ hình thức khai trừ), nếu Đảng viên không khiếu nại, tái phạm hoặc vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực (theo khoản 10 Điều 2 Quy định 102).

5. Khi nào được xóa kỷ luật đảng viên?

Sau thời gian tôi bị áp dụng hình thức kỷ luật của cơ quan, cũng được hơn 10 tháng, tôi thắc mắc là không biết khi nào tôi mới được xóa kỷ luật này. Vui lòng giải đáp giúp tôi. (binhng…@gmail.com).

Tại khoản 10 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW có quy định về thời gian để một quyết định kỷ luật Đảng viên hết hiệu lực. Và có  thể hiểu, khi một quyết định kỷ luật Đảng viên hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc nó sẽ không còn giá trị áp dụng với đảng viên vi phạm nữa, Đảng viên sẽ được coi là không bị kỷ luật nữa, nên được hiểu như việc xoá kỷ luật Đảng viên.

Do vậy, nếu căn cứ theo quy định nêu trên, có thể hiểu thời gian để Đảng viên được xóa kỷ luật về Đảng là 01 năm, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật mà đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức bị xử lý kỷ luật, thì được xóa kỷ luật.

Lưu ý: Quy định về việc xóa kỷ luật Đảng viên không áp dụng với trường hợp Đảng viên bị xử lý kỷ luật với hình thức khai trừ Đảng viên ra khỏi tổ chức Đảng.

Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên được thực hiện theo đúng trình tự nhất định, cũng như tuân thủ đúng nguyên tắc công bằng, minh bạch, công khai, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, đảm bảo tốt nhất quyền và nghĩa vụ của Đảng viên.

Xem thêm:

Cập nhật mẫu tự kiểm điểm Đảng viên sinh con thứ ba mới nhất

Mẫu kiểm điểm đảng viên mới nhất theo hướng dẫn 21 có gì đặc biệt?

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X