Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cũng như người lao động. Nếu không may rơi vào các tình huống dưới đây, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi tương ứng.
1. Người lao động bị ngừng việc
Đối với người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 thuộc một trong các trường hợp nêu tại Công văn số 1064/BHXH-LĐTBXH-QHLDTL:
- Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Người lao động phải ngừng việc trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Thì tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tra cứu mức lương tối thiểu vùng trên cả nước tại đây.
Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
2. Người lao động phải nghỉ việc
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh...) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Theo Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương.
Trong trường hợp vì lý do kinh tế doanh nghiệp không thể bố trí được công việc mới cho người lao động, phải cho người lao động thôi việc, người lao động sẽ được trả trợ cấp mất việc làm đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên bị mất việc.
Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
3. Người lao động phải cách ly tập trung
Trường hợp người lao động đi cách ly tại các cơ sở y tế:
- Được miễn chi phí khám, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
- Được cấp miễn phí các nhu yếu phẩm như nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly.
- Được hỗ trợ 80.000 đồng tiền ăn/ngày (trừ cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp) theo Nghị quyết 37/NQ-CP.
Được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau (khoản 7 Điều 2 Thông tư 32/2012/TT-BTC) hoặc hưởng lương theo thỏa thuận (theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động).
4. Trường hợp người lao động cách ly tại nhà
Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội người bị cách ly y tế tại nhà thì Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ Danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định (Công văn 1064/BHXH-LĐTBXH-QHLDTL).
5. Người lao động bị nhiễm Covid-19
Người bị nhiễm Covid-19 thuộc các bệnh truyền nhiễm nhóm A - các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Người bị mắc bệnh được khám và điều trị miễn phí (theo khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm). Và được hưởng chế độ ốm đau, được bảo hiểm xã hội chi trả khi có giấy xác nhận của cơ sở y tế.