Với những người không đi làm, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc có thể tham gia BHXH tự nguyện. Vậy, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện là gì?
Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện sau:
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:
“1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.”.
Tại Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Công thức tính:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng số năm đóng BHXH:
+ Với lao động nam nghỉ hưu năm 2021 được tính là 19 năm, từ 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH.
+ Với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2021 trở đi được tính là 15 năm đóng BHXH.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh như sau:
+ Thu nhập tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
+ Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hàng năm.
Với câu hỏi của bạn đọc, đóng đủ 20 năm BHXH tự nguyện trở lên và đủ điều kiện về tuổi thì được hưởng lương hưu. Cách tính được áp dụng như công thức trên với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, theo Điều 75 Luật này, người tham gia BHXH tự nguyện còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nếu thuộc trường hợp:
- Có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện ít ai biết (Ảnh minh họa)
Cách tính mức hưởng chế độ tử tuất khi tham gia BHXH tự nguyện
Trả lời:
Người tham gia BHXH tự nguyện được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định tại Điều 80, Điều 81 Luật BHXH.
Trợ cấp mai táng
Người có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng.
Theo đó, trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định trên chết.
Căn cứ Nghị quyết 128/2020/QH14, mức lương cơ sở 2021 là 1,49 triệu đồng. Do vậy, mức trợ cấp mai táng = 10 x 1.490.000 = 14,9 triệu đồng.
Trợ cấp tuất
- Với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng, cứ mỗi năm tính bằng:
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (cho những năm đóng 2014).
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi).
Trường hợp có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Trường hợp có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.
- Với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết:
+ Được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu.
+ Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
+ Trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.
Người đóng BHXH tự nguyện có thể được nhận BHXH một lần?
Trả lời:
Điều kiện hưởng BHXH một lần
Người tham gia BHXH tự nguyện có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 77 Luật BHXH như sau:
- Đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Mức hưởng BHXH một lần
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính:
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (trước năm 2014).
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (từ năm 2014 trở đi).
+ Nếu thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng.
Mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Lưu ý:
- Mức hưởng BHXH một lần của đối tượng trên không bao gồm số tiền được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt…
- Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.
Như vậy, người tham gia BHXH tự nguyện được nhận BHXH một lần nếu đáp ứng những điều kiện nêu trên.
Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng nhiều lợi ích (Ảnh minh họa)
Có phải đóng BHXH tự nguyện được cấp thẻ BHYT miễn phí?
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn đọc, đúng như bạn đưa ra, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo phân tích trên. Tuy nhiên, với trường hợp cấp thẻ BHYT miễn phí chỉ áp dụng với người đang hưởng lương hưu.
Cụ thể, khoản 4 Điều 18 Luật BHXH quy định như sau:
Điều 18. Quyền của người lao động
…
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, người hưởng lương hưu là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do cơ quan BHXH đóng.
Mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu là 95% chi phí khám, chữa bệnh (điểm e khoản 1 Điều 22 Nghị định 148/2018).
Như vậy, không phải ai tham gia BHXH tự nguyện cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chỉ những người đang hưởng lương hưu mới được cấp và có mức hưởng bảo hiểm y tế tương ứng là 95% chi phí khám,chữa bệnh.
Tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng và chọn mức đóng
Trả lời:
Về lựa chọn mức đóng và phương thức đóng
Theo Điều 9, Điều 10 Nghị định 134/2015, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng. Cụ thể như sau:
- Mức đóng BHXH tự nguyện
+ Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện chọn.
+ Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
- Phương thức đóng BHXH tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 03 tháng một lần.
- Đóng 06 tháng một lần.
- Đóng 12 tháng một lần.
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện
Theo Điều 14 Nghị định 134/2015, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
(Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn từ ngày 01/01/2021 là 700.000 đồng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP).
Đối tượng được hỗ trợ | Mức hỗ trợ | Số tiền hỗ trợ |
Thuộc hộ nghèo | 30% | 30% x 22% x 700.000 = 46.200 đồng |
Thuộc hộ cận nghèo | 25% | 25% x 22% x 700.000 = 38.500 đồng |
Các đối tượng khác | 10% | 10% x 22% x 700.000 = 15.400 đồng |
Lưu ý: Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Trên đây là những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Nếu còn thắc mắc khác về chủ đề này, độc giải vui lòng để lại câu hỏi tại đây để được giải đáp nhanh nhất.
>> Ai được tham gia BHXH tự nguyện? Mức đóng, mức hưởng thế nào?