hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 10/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có con chung nhưng không đăng ký kết hôn, ai được quyền nuôi?

Số lượng các vụ án ly hôn đơn phương đang ngày càng nhiều và một trong những vấn đề tranh chấp nhiều nhất chính là tranh giành quyền nuôi con. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn?

Mục lục bài viết
  • Cách xác định con chung
  • Có con chung nhưng không đăng ký kết hôn, ai được quyền nuôi?
  • Người nuôi con có được hạn chế quyền thăm nom không?
Câu hỏi: Câu hỏi: Vanbanluat cho em hỏi em có quan hệ tình dục với một bạn nam và có thai nhưng chúng em không sống chung và cũng không đăng ký kết hôn. Từ lúc sinh con một mình em tự nuôi và chăm con bởi vì thu nhập cũng đảm bảo.

Hiện tại con em đã 16 tháng tuổi. Bây giờ bạn nam đó quay lại và muốn giành quyền nuôi con thì có được không? Nếu tôi giành được quyền nuôi con tôi không muốn cho bạn nam kia đến thăm con được không? Tôi phải làm gì để bảo vệ con mình? Xin cảm ơn – Nguyễn Thu Thảo (thaoanh…..@gmail.com).

Trả lời:

Cách xác định con chung

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia  đình năm 2014 về xác định cha, mẹ thì một người được xác định là con chung khi:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Ví dụ: Chị A và anh  B kết hôn tháng 8 năm 2018; đến tháng 10 năm 2019 A sinh con. Lúc này con được sinh ra chính là con chung.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Ví dụ: Chị C và anh D kết hôn năm 2017 nhưng do không hòa hợp và phát sinh nhiều mâu thuẫn nên hai bên quyết định ly hôn năm 2019. Đến năm 2020 chị C sinh một bé trai, như vậy con chị C sinh ra vẫn được tính là con chung của hai vợ chồng.

- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Ví dụ: M và O sống chung nhưng không đăng ký kết hôn và sau đó có một đứa con, cả hai đều thừa nhận nên được xác định là con chung.

Trường hợp của bạn là con chung được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn.

Có con chung nhưng không đăng ký kết hôn, ai được quyền nuôi?

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích thì chung sống như vợ chồng là việc nam nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như là vợ chồng. Trong trường hợp này bạn xác định mình không sống chung nhưng Tòa án sẽ xem xét tình hình thực tế để đưa ra kết luận.

Căn cứ quy định tại Điều 14, 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dù không đăng ký kết hôn nhưng khi phát sinh tranh chấp thì quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn sẽ giải quyết tương tự như tranh chấp quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn.

Khoản 3 Điều 81 Luật này quy định như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

quyen nuoi con khi khong dang ky ket hon
Quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn như thế nào? (Ảnh minh họa)

Như vậy, trong trường hợp này con bạn mới 16 tháng tuổi nên sẽ được ưu tiên giao cho bạn nuôi.  Đồng thời bạn cũng phải chứng minh được bản thân đủ điều kiện về tài chính, điều kiện, thời gian chăm sóc con để con có môi trường phát triển tốt nhất. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm chứng cứ chứng minh trong thời gian đó bạn nam kia bỏ mặc, không hề quan tâm, chăm sóc con.

Người nuôi con có được hạn chế quyền thăm nom không?

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, kể cả người mẹ.

Còn trong trường hợp bạn nam lạm dụng việc thăm nom như đến thăm con vào giờ nghỉ và cố tình không chịu về hoặc đến gặp con trong trạng thái say xỉn và có hành động thô bạo làm bé khóc liên tục,….. thì bạn có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người đó.

Lúc này, bạn cần thu thập các chứng cứ về các hành vi gây rối của người đó như video, xác nhận của những người xung quanh…. và sau đó nộp đơn yêu cầu Tòa án xem xét, ra quyết định hạn chế quyền thăm nom con.

Như vậy, khi con 16 tháng tuổi thì người mẹ sẽ được ưu tiên nuôi con nhưng không được tự ý hạn chế quyền thăm nom con. Khi muốn hạn chế quyền thăm con thì phải có đầy đủ chứng cứ và nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là giải đáp về giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X