Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, cùng hệ thống lại các quyền và nghĩa vụ của nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Luật báo chí 2016, Nhà báo là những người hoạt động báo chí và được cấp thẻ nhà báo. Không dễ gì để một cá nhân được cấp thẻ nhà báo: phải là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có bằng đại học trở lên và phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí từ 02 năm trở lên…
Quyền của nhà báo
Để tạo thuận lợi cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đưa tin, pháp luật Việt Nam quy định nhà báo có nhiều quyền lợi. Cụ thể như sau:
- Hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài.
- Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí.
- Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
- Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí.
- Từ chối việc tạo ra những tác phẩm báo chí trái pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
Nghĩa vụ của nhà báo
Cùng với quyền, pháp luật cũng quy định nhiều nghĩa vụ mà nhà báo phải thực hiện như sau:
- Đưa tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân.
- Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Không lạm dụng danh nghĩa nhà báo để vi phạm pháp luật.
- Trường hợp đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân, nhà báo phải cải chính và xin lỗi.
- Chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình.
- Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Tuy pháp luật đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà báo nhưng thực tế họ vẫn chưa được tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp. Việc cản trở, hành hung nhà báo trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ không phải là hiếm. Vì vậy, pháp luật cần siết chặt hơn nữa các quy định nhằm bảo vệ mạnh mẽ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo.