hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 24/09/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sắp tới, ai là người thay thế vị trí Chủ tịch nước?

Như báo chí đã đưa tin, sáng 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã qua đời tại Hà Nội khi còn đương nhiệm. Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước sẽ giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, quyền này chỉ là tạm thời cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Ai sẽ là người thay thế Chủ tịch nước?

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, vị trí Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước được bầu trong số các đại biểu Quốc hội.

Dự kiến, kỳ họp Quốc hội gần nhất sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 tới đây, nhưng Quốc hội cũng có thể họp bất thường nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu. Tuy nhiên, vì dự kiến phiên họp thường lệ của Quốc hội sắp diễn ra nên có lẽ vị trí Chủ tịch nước sẽ đợi để được bầu vào phiên họp này.

Sắp tới, ai là người thay thế vị trí Chủ tịch nước?

Sắp tới, ai là người thay thế vị trí Chủ tịch nước?

Quy trình bầu Chủ tịch nước diễn ra như nào?

Quy trình bầu Chủ tịch nước được quy định tại Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử vị trí Chủ tịch nước; đại biểu Quốc hội có thể giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử chức danh này;

- Đại biểu Quốc hội thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử;

- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và lập Ban kiểm phiếu;

- Quốc hội bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch nước;

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết;

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước;

- Cuối cùng, Chủ tịch nước tuyên thệ.

Người được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử.

Nếu kết quả ngang nhau thì Quốc hội biểu quyết lại trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau. Nếu biểu quyết lại mà nhiều người vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Như vậy, người thay thế vị trí Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sắp tới là một trong số đại biểu Quốc hội.

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X