hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sau dấu hai chấm có phải viết hoa không?

Rất nhiều băn khoăn được gửi về Hieuluat.vn xung quanh quy tắc viết hoa trong văn bản hành chính theo quy định mới ban hành.

Mục lục bài viết
  • Sau dấu hai chấm có phải viết hoa?
  • Từ “Tổ quốc” có phải viết hoa không?
  • Từ “Nhân dân”, “Nhà nước” có phải viết hoa không?
  • Sau dấu chấm phẩy có phải viết hoa không?
  • Tên các tỉnh, thành phải viết hoa không?

Sau dấu hai chấm có phải viết hoa?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi trong văn bản sau hai chấm có phải viết hoa không? Văn bản nào quy định về vấn đề này? - Việt Hương (Tp. Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Hiện nay, quy định về thể thức trình bày văn bản được áp dụng theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 05/03/2020, có hiệu lực cùng ngày.

Theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định này, các trường hợp phải viết hoa vì phép đặt câu bao gồm:

Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.

Trong khi đó, trước đây, theo Thông tư 01/2011/TT-BNV  thì phải viết hoa cả trong trường hợp sau dấu chấm lửng (…); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “…”) và Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (;) và dấu phẩu (,) khi xuống dòng).

Tóm lại, theo quy định hiện hành (Nghị định 30/2020/NĐ-CP), sau dấu hai chấm không còn phải viết hoa như trước đây.


Từ “Tổ quốc” có phải viết hoa không?

Câu hỏi: Nếu tôi soạn thảo văn bản, thì tôi có nhất thiết phải viết hoa từ Tổ quốc hay không? - Vũ Quốc Hợp (Bắc Ninh)

Trả lời:

Phụ lục II của Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp viết hoa như sau:

- Viết hoa vì phép đặt câu;

- Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người;

- Viết hoa tên địa lý;

- Viết hoa tên cơ quan, tổ chức;

 - Viết hoa các trường hợp khác (Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt; Tên huân chương; huy chương; Tên chức vụ, học vị, danh hiệu…).

Trong số các trường hợp nêu trên, không có trường hợp phải viết hoa từ tổ quốc. Do đó, theo quy định, từ tổ quốc không cần phải viết hoa trong văn bản hành chính. 

sau dau hai cham co phai viet hoa

Sau dấu hai chấm có phải viết hoa, theo quy định mới? (Ảnh minh họa)


Từ “Nhân dân”, “Nhà nước” có phải viết hoa không?

Câu hỏi: Tôi là văn thư của một cơ quan Nhà nước, thường xuyên phải soạn thảo văn bản. Tôi luôn viết hoa từ “Nhân dân”, “Nhà nước” trong văn bản, nhưng một số đồng nghiệp nói rằng không cần viết hoa? Cho tôi hỏi trong trường hợp này thì ai đúng? - Mỹ Hoa (Bắc Giang).

Trả lời:

Mục V Phụ lục II của Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định viết hoa trong một số trường hợp đặc biệt như sau:

Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân, Nhà nước.

Quy định nêu trên đã rõ, trong văn bản hành chính, từ “Nhân dân” và “Nhà nước” luôn luôn phải viết hoa.

Bạn cũng cần lưu ý thêm rằng, trước đây, Thông tư 01/2011/TT-BNV không quyđịnh 02 từ này phải viết hoa. Do đó, có thể đồng nghiệp của bạn nhầm với quy định cũ.


Sau dấu chấm phẩy có phải viết hoa không?

Câu hỏi: Tôi được biết theo quy định mới từ năm 2020, trong văn bản, sau dấu chấm phẩy không cần phải viết hoa, điều này có đúng không? – Vũ Linh (Ninh Bình).

Trả lời:

Mục I Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP về thể thức trình bày văn bản quy định các trường hợp viết hoa vì phép đặt câu như sau:

Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.

Như vậy, trong các trường hợp trên không có trường hợp viết hoa sau dấu chấm phẩy. Vì thế, hiện hành, sau dấu chấm phảy không phải viết hoa.

(Trước đây, tại Thông tư 01/2011, Bộ Nội vụ vẫn yêu cầu sau dấu chấm phẩy phải viết hoa).


Tên các tỉnh, thành phải viết hoa không?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi, nếu viết Thành phố Hải Phòng, Thanh phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thì viết hoa những từ nào? Nguyên tắc viết hoa trong những trường hợp này ra sao? – Nguyễn Thị Loan (Nghệ An).

Trả lời:

Theo mục III Phụ lục II của Nghị định 30/2020/NĐ-CP, việc viết hoa các đơn vị hành chính là tỉnh, thành được quy định như sau:

a) Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định,...

c) Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ quy định nêu trên, thành phố Hải Phòng thì chữ “thành” không cần viết hoa, chỉ cần viết hoa chữ “Hải Phòng”; thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác cũng tương tự như vậy.

Riêng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì phải viết hoa chữ “Thủ”, chữ Hà Nội; chữ “Thành” và chữ “Hồ Chí Minh”.

Chính phủ có phải viết hoa không?

Câu hỏi: Em muốn hỏi từ Chính phủ có phải viết hoa không?

Theo yêu cầu tại Nghị định 30, phải viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính,... Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, ...

Như vậy từ Chính phủ sẽ phải viết hoa từ C trong "Chính"; phủ không phải viết hoa.

Đảng có phải viết hoa không?

Câu hỏi: Em muốn hỏi từ Đảng trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên, tuổi đảng có phải viết hoa không?

Chào bạn. Theo hướng dẫn tại Nghị định 30, danh từ chung đã riêng hóa, phải viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam),...

Tuy nhiên, Đảng trong đảng viên, tuổi đảng không phải là từ chung đã riêng hóa nên không cần viết hoa, chỉ viết hoa các chữ Đảng mà hàm ý thay thế cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Ví dụ: Đảng đã cho ta một mùa xuân.

Trên đây là phân tích liên quan đến Sau dấu hai chấm có phải viết hoa và các trường hợp khác phải viết hoa. Nếu có bất cứ vấn đề pháp lý nào, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây, hoặc liên hệ  19006199 để được hỗ trợ ngay.

>> Toàn bộ các trường hợp bắt buộc viết hoa trong văn bản 

>> 5 điểm mới của quy tắc viết hoa trong văn bản hành chính

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X