Khi máy bay trở thành phương tiện đi lại phổ biến hơn của người dân thì vấn đề an ninh hàng không cũng được quản lý chặt chẽ. Say rượu đi máy bay là hành vi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hàng không.
Say rượu đi máy bay, được hay không?
Sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác làm mất khả năng làm chủ hành vi là trường hợp bị từ chối vận chuyển. Cụ thể, Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định: Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích.
Đối với hành khách bị bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng làm chủ hành vi thì việc chấp nhận hay không chấp nhận chuyên chở hành khách đó do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. Khi chấp nhận chuyên chở phải thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh hàng không.
Quy trình, thủ tục và thẩm quyền quyết định từ chối vận chuyển hành khách vì lý do an ninh phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không. Việc từ chối vận chuyển hành khách phải được thông báo ngay cho Cảng vụ hàng không để giám sát theo thẩm quyền.
Say rượu đi máy bay, được hay không?
Xử lý thế nào với hành khách gây rối?
Xử lý hành khách gây rối là một nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm an ninh hàng không.
- Trường hợp hành khách chưa lên tàu bay, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không ngăn chặn không cho phép hành khách lên tàu bay, tạm giữ người, giấy tờ về nhân thân của hành khách. Các bước xử lý tiếp theo như ngăn chặn hành vi vi phạm; tạm giữ đối tượng vi phạm; kiểm tra, lục soát, thu giữ tang vật, chứng cứ; đưa người, tang vật vi phạm về nơi quy định để giải quyết, xử lý vi phạm...;
- Trường hợp hành khách đã lên tàu bay và tàu bay đang ở mặt đất, người chỉ huy tàu bay phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp; quyết định tạm dừng chuyến bay nếu xét thấy cần thiết vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay; thông báo cho đại diện hãng hàng không; đại diện hãng hàng không thông báo vụ việc cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay để phối hợp xử lý;
- Trường hợp tàu bay đang bay, người chỉ huy tàu bay có thể quyết định cho tàu bay hạ cánh nếu xét thấy cần thiết vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay; thông báo vụ việc cho hãng hàng không hoặc nhà chức trách hàng không tại cảng hàng không nơi tàu bay hạ cánh, tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính, bàn giao vụ việc cho nhà chức trách hàng không nơi hạ cánh;
Khi nhận được thông báo, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay lên ngay tàu bay, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để áp giải hành khách xuống khỏi tàu bay, tạm giữ giấy tờ về nhân thân của hành khách, đồ vật vi phạm; tổ bay lập bản tường trình báo cáo vụ việc chuyển giao cho Cảng vụ hàng không để xử lý theo thẩm quyền và đại diện hãng hàng không phải có mặt chứng kiến, phối hợp trong quá trình xử lý vụ việc.
Cảng vụ hàng không liên quan nhận được thông báo phải đến ngay nơi xử lý vụ việc để trực tiếp đánh giá và quyết định việc xử lý theo thẩm quyền; giám sát toàn bộ quá trình xử lý vụ việc, quyết định áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết; đình chỉ hoặc cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay; lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp vượt quá thẩm quyền, chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền xử lý…
Xem thêm:
Từ 1/7/2019, vé máy bay nội địa hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng
Chuyến bay bị hoãn, hủy, khách hàng nhận bồi thường bằng cách nào?
hieuluat.vn