Những điều cần biết khi số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu là gì? Làm số định danh cá nhân ở đâu? Thủ tục thế nào? Là thắc mắc của nhiều người hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đưa ra một số thông tin cơ bản về mã số định danh cá nhân đang được nhiều người quan tâm.
Những điều cần biết khi số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu là gì?
Số định danh cá nhân là gì? Được lấy từ đâu?
Theo quy định tại Điều 12, khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, số định danh cá nhân chính là số thẻ Căn cước công dân. Theo đó, số định danh gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân chết, không thay đổi và không trùng lặp với số định danh người khác.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân.
Số căn cước công dân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau:
- Qua việc đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh: Số định danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây cũng chính là số thẻ Căn cước công dân của người đó sau này (khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014).
- Qua việc cấp thẻ Căn cước công dân: Như đã nêu ở trên
Như vậy, số định danh cá nhân gắn với một người từ khi khai sinh đến khi chết và không thay đổi trong suốt cuộc đời.
Những điều cần biết khi số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu (Ảnh minh họa)
Ý nghĩa và cấu trúc của mã số định danh cá nhân
Theo Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 07/2016/TT-BCA, thì:
Số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Thứ tự cụ thể như sau:
- 03 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh, hoặc mã các quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 01 số tiếp theo là mã thế kỷ sinh, mã giới tính: Là số tương ứng với thể kỷ công dân được sinh ra và giới tính, cụ thể:
Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;
Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;
Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;
Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;
Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
- 02 số kế tiếp là mã năm sinh: Thể hiện 02 số cuối năm sinh của công dân;
- 06 số còn lại là các số ngẫu nhiên.
Các mã số này được bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
3. Làm số định danh cá nhân ở đâu?
Như đã nêu ở trên, số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký khai sinh và khi làm thẻ Căn cước công dân. Do đó, việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện ở:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ khi thực hiện đăng ký khai sinh;
- Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện;
- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh;
- Trung tâm Căn cước công dân quốc gia, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Trình tự thủ tục cấp mã số định danh cá nhân như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Luật Hộ tịch, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, Điều 16 Luật Hộ Tịch:
* Trường hợp 1: Cấp số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh được thực hiện như sau:
Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh nộp Tờ khai theo mẫu và Giấy chứng sinh cho UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ của trẻ.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch.
- Trường hợp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa vận hành hoặc Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
Cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyển ngay các thông tin đăng ký khai sinh cho Bộ Công an qua tài khoản truy cập để nhận số định danh cá nhân của công dân.
- Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cán bộ tư pháp - hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.
Bước 3: Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
* Trường hợp 2: Cấp số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú:
Bước 1: Công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, sẽ được cơ quan quản lý căn cước công dân thu thập thông tin dân cư.
Bước 2: Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.
Hủy số định danh cá nhân
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 137/2015, trường hợp số định danh cá nhân đã cấp có sai sót do nhập sai thông tin về công dân, thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đó và cấp lại số định danh cá nhân khác cho công dân.
Xem thêm:
Từ tháng 7/2021, số định danh cá nhân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu?