hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 09/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình, chia thừa kế thế nào?

Chia thừa kế khi Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình tương đối phức tạp. Nếu không nắm rõ sẽ không đảm bảo được quyền lợi của những người được nhận thừa kế. Thậm chí có thể xảy ra tranh chấp.

Câu hỏi: Năm 1998, UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông A với diện tích 1200 m2, nguồn gốc sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ gia đình, thời điểm giao năm 1990, khi đó hộ gia đình ông A gồm 3 thành viên trong sổ hộ khẩu: Ông A, bà B, con C. Năm 2010, gia đình ông A và bà B sinh được thêm 2 con là D và E. Năm 2018, ông A mất không để lại di chúc. Vậy trong trường hợp này nhà đất trên sẽ được chia thừa kế như thế nào ?

Di sản người thừa kế được xác định thế nào?

Căn cứ theo khoản 29, Điều 3 Luật đất đai 2013:

"Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”

Theo quy định trên, việc xác định những thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất đối với mảnh đất trên phải đáp ứng điều kiện sau:

- Điều kiện 1: Có quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

- Điều kiện 2: Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất (thời điểm nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế,…).

- Điều kiện 3: Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp, tạo lập hoặc được tặng cho, thừa kế chung…

Vì thời điểm được nhà nước giao đất năm 1990, các thành viên trong gia đình có tên trong sổ hộ khẩu bao gồm ông A, bà B và C cho nên mảnh đất trên sẽ thuộc quyền sử dụng chung của cả 3 người .

Do đó, di sản thừa kế của ông A sẽ được xác định là 400 m2.

chia thừa kế sổ đỏ đứng tên hộ gia đình

Chia thừa kế sổ đỏ đứng tên hộ gia đình thế nào? (Ảnh minh họa)


Chia thừa kế theo quy định của pháp luật thế nào?

- Các trường hợp chia thừa kế theo quy định của pháp luật

Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

Do ông A chết không để lại di chúc cho nên di sản thừa kế của ông A sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

- Người được hưởng thừa kế theo pháp luật

Căn cứ Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế.

- Diện thừa kế: Là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản (quan hệ nuôi dưỡng là con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi,… và phải có quyết định đăng ký nhận con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải là con nuôi theo hình thức tự nhận tại một số địa phương).

- Hàng thừa kế:

Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế theo thứ tự sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (theo khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).

Căn cứ theo quy định nêu trên, di sản thừa kế của ông A sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa thứ nhất bao gồm : bà B, con C,D và E. Cụ thể là bà B, con C,D và E mỗi người sẽ được hưởng 100 m2.

Nói tóm lại, chia thừa kế khi Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình khác so với trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của người chết ở chỗ phải xác định phần di sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất mà có Sổ đỏ, Sổ hồng được cấp cho hộ gia đình.

Trên đây là giải đáp về Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình, chia thừa kế thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>>> Thủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X