hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 23/07/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sử dụng lao động dưới 15 tuổi thế nào cho hợp pháp?

Hiện nay, có không ít doanh nghiệp sử dụng lao động dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, do đây là đối tượng lao động đặc biệt nên nếu không nắm chắc quy định pháp luật sẽ rất dễ vi phạm. Vậy, cần lưu ý gì khi sử dụng lao động dưới 15 tuổi?
Câu hỏi: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi thuê người dưới 15 tuổi làm việc tôi cần lưu ý vấn đề pháp lý gì? Pháp luật quy định như thế nào về thời giờ làm việc cũng như những công việc nhất định mà được thuê lao động chưa thành niên làm không ạ? Tôi cảm ơn! - Hùng Nguyễn (Thái Bình)

Lao động trẻ em là gì?

Theo quy định tại Luật Trẻ em 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Như vậy, có thể hiểu, lao động trẻ em là người dưới 16 tuổi làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người đó.

Sử dụng lao động dưới 15 tuổi thế nào cho hợp pháp? (Ảnh minh họa)


Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi sử dụng lao động dưới 15 tuổi?

Hiện nay, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là 15 tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt thì được sử dụng lao động dưới 15 tuổi nhưng cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định.

Về điều kiện ký hợp đồng với lao động dưới 15 tuổi

Căn cứ Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH, để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

- Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09.

Trường hợp sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của cơ quan sau:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,…: Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/tạm trú: Người sử dụng lao động là hộ gia đình, cá nhân.

Về hợp đồng lao động

Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:

a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

Như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động chưa đủ 15 tuổi và người đại diện của họ.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH, hợp đồng lao động này phải có đầy đủ các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Việc bảo đảm điều kiện học tập;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Riêng hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Danh mục công việc dành cho lao động trẻ em dưới 15 tuổi

Theo Điều 143 BLLĐ năm 2019, người lao động dưới 15 tuổi chỉ được làm những công việc sau:

- Người chưa đủ 13 tuổi: Làm công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: Làm công việc nhẹ theo danh mục tại Thông tư 09/2021 gồm:

1. Biểu diễn nghệ thuật.

2. Vận động viên thể thao.

3. Lập trình phần mềm.

4. Các nghề truyền thống: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; làm trống,…

5. Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian,…

6. Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón.

7. Gói nem, gói kẹo, gói bánh(trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói).

8. Nuôi tằm.

9. Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa.

10. Chăn thả gia súc tại nông trại.

11. Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản.

12. Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.

Chế độ làm việc dành cho lao động trẻ em dưới 15 tuổi

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH, chế độ làm việc đối với lao động trẻ em dưới 15 tuổi cũng có những điểm khác biệt sau đây:

- Về thời gian làm việc:

+ Không được quá 04 giờ/ngày và 20 giờ/tuần;

+ Không được làm thêm giờ (trừ một số trường hợp), làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau);

+ Được bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người lao động.

- Thời giờ nghỉ ngơi:

+ Được bố trí nghỉ giải lao giữa giờ làm việc;

+ Được nghỉ hằng năm 14 ngày nếu làm việc đủ 12 tháng cho 01 người sử dụng lao động.

- Điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động: Đảm bảo phù hợp với lứa tuổi.

- Công việc và nơi làm việc:

+ Chỉ phải làm các công việc thuộc danh mục nêu trên;

+ Nơi làm việc: Không phải làm việc tại những nơi sau:

Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

Công trường xây dựng;

Cơ sở giết mổ gia súc;

Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;

Tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép.

Tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.

Thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom.

Trên giá cao hay dây treo cao hơn 2m so với mặt sàn làm việc; địa hình đồi núi dốc trên 300.

Các công việc ở trong hố sâu hơn 5m.

Làm việc trong nhà tù hoặc trong bệnh viện tâm thần.

Xử phạt vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 15 tuổi

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 28/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động chưa thành niên như sau:

STT

Hành vi

Mức phạt

1

Không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng

2

- Sử dụng người từ đủ 13 - dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc không được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi;

-  Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc;

- Sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

- Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng

3

- Sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ hoặc làm công việc, nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng người từ 13 - dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép;

- Sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép.

Phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng

Có thể bạn quan tâm

X