Hiện nay, nhiều gia đình chưa có nhà riêng, nhưng để thuận tiện hơn cho học tập, công việc nên có nhu cầu tách sổ hộ khẩu. Vậy thủ tục tách khẩu khi chưa có nhà riêng được thực hiện thế nào?
1. Tách khẩu là gì?
Tách khẩu (tách sổ hộ khẩu) là việc một người đang đăng ký thường trú, có tên trong một sổ hộ khẩu thực hiện thủ tục xóa tên trong sổ hộ khẩu đó và đăng ký sổ hộ khẩu mới.
Trong trường hợp chỉ có một người tách khẩu thì người đó sẽ đứng tên là chủ hộ trong sổ hộ khẩu mới. Nếu có nhiều người đăng ký tách khẩu và đăng ký chung một sổ hộ khẩu mới thì sẽ thỏa thuận một người là chủ hộ.
2. Điều kiện tách khẩu khi cùng nơi cư trú
Theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2006 thì các trường hợp có cùng chỗ ở hợp pháp được tách hộ khẩu, bao gồm:
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
- Người đã nhập vào sổ hộ khẩu của người khác mà được chủ hộ đồng ý cho tách hộ khẩu.
Như vậy, muốn tách khẩu khi cùng nơi cư trú chỉ cần tiến hành thủ tục tách hộ khẩu mà không bắt buộc phải có nhà riêng, nhưng lưu ý, cần phải được chủ hộ đồng ý cho tách khẩu.
Tách khẩu khi chưa có nhà riêng được không? (Ảnh minh họa)
3. Thủ tục tách khẩu khi chưa có nhà riêng
Tách khẩu khi chưa có nhà riêng được tiến hành thủ tục như sau:
* Chuẩn bị hồ sơ
Theo khoản 2 Điều 27 Luật Cư trú số 81/2006/QH11, khi có nhu cầu về tách khẩu người đến làm thủ tục cần bị chuẩn hồ sơ gồm:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.
* Nộp hồ sơ tách khẩu
Hồ sơ nộp tại:
- Công an quận, huyện đối với thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công an xã, phường, thị trấn thuộc huyện;
- Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với tỉnh.
* Nhận kết quả
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách khẩu;
Trường hợp không giải quyết việc tách khẩu thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
* Lệ phí
Theo quy định hiện hành, việc tách khẩu không mất lệ phí.
Xem thêm: