Nếu chỉ nghe qua, ai cũng hiểu việc tăng lương tối thiểu vùng là niềm vui lớn đối với người lao động. Tuy nhiên, sự tác động này lại mang tính đa chiều.
Lương tăng nếu đang ở mức thấp hơn lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng là quy định Nhà nước ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nếu người lao động đang có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp bắt buộc phải tăng lương cho họ, thấp nhất bằng lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, từ năm 2020, mức lương cho người lao động ở các vùng thấp nhất sẽ tương ứng như sau:
Vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng;
- Vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng;
- Vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng;
- Vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, mức lương này liên tục tăng và hứa hẹn sẽ vẫn tăng trong những năm tiếp theo để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Tăng mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN
Theo quy định hiện hành, mức lương tháng đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện bình thường.
Trên thực tế, doanh nghiệp thường chỉ đóng BHXH trên mức lương cơ bản theo quy định (mức thấp nhất) để làm giảm chi phí. Vì thế, khi lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức lương làm cơ sở đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng sẽ tăng theo.
Ngoài ra, người lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng đoàn phí mỗi tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Với những doanh nghiệp phải tăng mức đóng BHXH do lương tối thiểu vùng tăng thì người lao động cũng phải tăng mức đoàn phí công đoàn phải đóng.
Tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng với người lao động
Được tăng tiền lương ngừng việc
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2012, trong trường hợp người lao động phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì người lao động được trả lương ngừng việc.
Mức lương này do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trên thực tế, mức lương này sẽ thường bằng mức lương tối thiểu vùng, vì thế tăng lương tối thiểu vùng giúp lương ngừng việc của người lao động tăng theo.
Giảm điều kiện bồi thường thiệt hại do lỗi của người lao động
Theo quy định hiện hành, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường.
Mức tiền làm căn cứ bồi thường của người lao động được dựa trên lương tối thiểu vùng. Cụ thể, người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương. Lương tối thiểu vùng tăng lên thì điều kiện bồi thường thiệt hại của người lao động sẽ giảm đi.
Việc tăng mức lương tối thiểu vùng nhìn qua sẽ toàn là thuận lợi cho người lao động. Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng tăng thì hầu hết giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp khi mà số tiền phải chi ra cho công đoàn, quỹ lương, quỹ BHXH… cũng tăng. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách đổi mới công nghệ, cắt giảm nhân sự để giảm những chi phí liên quan. Việc này sẽ khiến tác động ngược lại khá tiêu cực đến người lao động.
Xem thêm:
Tăng lương tối thiểu vùng ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?
Bị trả lương dưới mức tối thiểu, người lao động phải làm gì?