Ngoài niềm vui sum họp gia đình, những lễ hội huyên náo, Tết Nguyên đán cũng là dịp nhiều tệ nạn có cơ hội gia tăng. Đua xe, cờ bạc, đốt pháo... xảy ra tương đối phổ biến.
Tai nạn giao thông
Tết là thời điểm tất cả mọi người bỏ cuộc sống mưu sinh lại phía sau để tìm về gia đình. Tình trạng ùn tắc giao thông những ngày sát Tết, trên đường đến các lễ hội xuân luôn khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”.
Chưa kể đến tình trạng vui xuân “chén chú chén anh” vẫn còn quá phổ biến ở Việt Nam. Say rượu khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, đua xe trái phép... ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, những ngày sát Tết và trong dịp Tết, số vụ tai nạn giao thông thường xuyên gia tăng. Số người chết và bị thương cũng từ đó mà tăng đột biến. Vì thế, mỗi người vui xuân đều cần thận trọng hơn trong quá trình tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Chưa kể, việc vi phạm các quy định an toàn giao thông có thể bị xử lý theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức tiền phạt không hề nhỏ.
Đua xe là tệ nạn dịp Tết khá phổ biến
Cờ bạc gia tăng
Các hoạt động cờ bạc trá hình trong một hội chợ, lễ hội, khu vui chơi dịp Tết không phải chuyện hiếm. Thậm chí, lấy cớ vui xuân, nhiều chiếu bạc còn được tổ chức công khai với nhiều hình thức như tá lả, đá gà, xóc đĩa...
Số tiền cược ban đầu có thể không lớn nhưng khi “máu đỏ đen” đã nổi lên thì số tiền người chơi đem ra sát phạt nhau lên đến tiền triệu và thậm chí cao hơn nữa. Những hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ cần có hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền, hiện vật sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng ngay cả khi số tiền đem ra cá cược rất nhỏ. Nếu số tiền cá cược lớn, người chơi còn có thể phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đốt pháo trái phép
Đốt pháo ngày Tết được coi là thú vui ở nhiều nơi. Tuy nhiên, theo Nghị định 36/2009/NĐ-CP việc đốt các loại pháo mà chưa được Nhà nước cho phép đều là hành vi trái luật. Mức xử phạt đối với hành vi này đang ở mức 1 đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc đốt pháo gây ra các hậu quả khác như gây thương tích cho người khác hoặc làm hủy hoại tài sản của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác, tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.
Mê tín dị đoan
Dịp Tết là cơ hội tốt để các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra phổ biến. Hầu đồng, xem bói, gọi hồn, xóc quẻ, yểm bùa, truyền bá sấm trạng... diễn ra ở nhiều nơi.
Việc lợi dụng các hoạt động trên để trục lợi sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP hoặc bị xử phạt Tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định của Bộ luật hình sự.
Xem thêm:
Đánh bài dịp Tết đúng luật
Đốt pháo ngày Tết: Vui thôi, đừng vui quá!
hieuluat.vn