Thai phụ cũng như những đối tượng khác đều có nguy cơ nhiễm Covid-19 như nhau. Tuy nhiên, với thai phụ khi nhiễm bệnh, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn có khả năng nguy hại đến thai nhi. Vậy, khi thai phụ nhiễm Covid-19, cần xử trí thế nào?
Những yếu tố gia tăng bệnh khi thai phụ nhiễm Covid
Theo CDC Viet Nam thì, những yếu tố dưới đây có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng vì Covid-19 cho người mang thai hoặc gần đây có mang thai, như:
- Người có một số bệnh lý nền nhất định
- Người mang thai trên 25 tuổi
- Người sống hoặc làm việc tại cộng đồng có số ca bệnh Covid-19 cao
- Người sống hoặc làm việc tại cộng đồng có mức tiêm chủng ngừa Covid-19 thấp
- Người làm việc tại những nơi khó hoặc không thể giữ khoảng cách tối thiểu với người có thể đang bị bệnh…
Ảnh hưởng của Covid-19 với phụ nữ mang thai và thai nhi
Căn cứ theo Quyết định 3982/QĐ-BYT, Bộ Y tế ban hành ngày 18/8 thì Covid-19 có ảnh hưởng lớn tới phụ nữ mang thai và thai nhi.
Với thai phụ
Nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai.
Và nguy cơ được cho là nằm ở khoa chăm sóc tích cực, thở máy và hỗ trợ thông khí (ECMO) và tử vong ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai có triệu chứng.
Với thai nhi
Không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do vi rút ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...
Thai phụ nhiễm Covid, xử trí thế nào?
Cũng theo hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí Covid-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại Quyết định 3982/QĐ-BYT, khi thai phụ nhiễm COVID-19:
Cần thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà theo hướng dẫn hiện hành…
Ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng…
Bên cạnh đó, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
Chụp X quang và CT Scan ngực, siêu âm, sàng lọc trước sinh… và chỉ sử dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh khi thật cần thiết với bức xạ liều thấp. Lưu ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi.
Ngoài ra, đối với thai phụ nhiễm Covid-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non/đẻ non.
Đồng thời, phải cân nhắc sử dụng thuốc kháng vi rút, thuốc kháng động và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Lưu ý: nếu dùng thuốc kháng vi rút cần theo dõi chức năng gan, thận;
Nếu có kế hoạch mổ lấy thai, ngừng sử dụng thuốc kháng đông trước 12 - 24 giờ.
Thai phụ nhiễm Covid, khi nào cần can thiệp sản khoa?
Theo hướng dẫn tại Quyết định 3982/QĐ-BYT, thì
Trường hợp mắc bệnh COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ ở mức độ nhẹ:
- Tuổi thai từ 39 tuần trở lên: Xem xét chỉ định chấm dứt thai kỳ.
- Tuổi thai 37 tuần - 38 tuần 7 ngày mà không có chỉ định sản khoa khác: Xem xét theo dõi thai: 14 ngày kể từ khi thai phụ có xét nghiệm Covid-19 dương tính hoặc 07 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc 03 ngày kể từ khi có sự cải thiện các triệu chứng.
Trường hợp mắc COVID-19 nặng hoặc tiên lượng diễn tiến nặng/nguy kịch trong vòng 24 giờ:
-Trường hợp không thở máy: nếu tình trạng mẹ diễn tiến xấu dần, cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai > 32 tuần bằng cách khởi phát chuyển dạ, theo dõi sinh đường dưới hoặc mổ lấy thai.
- Trường hợp có thở máy: Nếu thai > 32 tuần: xem xét chỉ định mổ lấy thai; Nếu thai ≤ 32 tuần và có khả năng sống: chỉ định sinh nên được trì hoãn nếu tình trạng của mẹ ổn định hoặc có cải thiện; trường hợp tình trạng mẹ diễn tiến xấu hơn: mổ lấy thai;
Cần cân nhắc chỉ định mổ lấy thai khi tuổi thai dưới 30 tuần.
Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin Covid
Tiêm chủng Covid-19 được khuyến nghị với người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm người đang mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, người đang muốn mang thai, hoặc có thể mang thai trong tương lai.
Ngày 10/8/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong văn bản này Bộ Y tế đã bổ sung, điều chỉnh các nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên hoặc đang đang cho con bú có thể tiêm các loại vắc xin phòng Covid-19, lưu ý chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.
Trước khi thực hiện tiêm vắc xin cho thai phụ, nhân viên y tế cần hỏi rõ tuổi thai, giải thích lợi ích, nguy cơ.
Chỉ tiêm khi thai đồng ý và ký cam kết. Thai phụ tiêm vắc xin Covid sẽ được chuyển đến các cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi.
Ngày 21/8/2021, Bộ Y tế cũng đã ra Công văn 6866 về ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Cụ thể, căn cứ tình hình dịch bệnh của địa phương, khả năng cung ứng vắc xin, địa phương cần xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú.
Trên đây là giải đáp về trường hợp thai phụ nhiễm Covid-19, xử trí thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.