hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 25/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động trong công ty?

Hợp đồng lao động là biên bản “giao kèo” hợp pháp giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vậy ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động trong doanh nghiệp?

Mục lục bài viết
  • Ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động?
  • Hợp đồng bị vô hiệu nếu người ký không đúng thẩm quyền?
  • Xử lý thế nào khi hợp đồng bị vô hiệu do sai thẩm quyền ký?

1. Ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động?

Câu hỏi: Tôi vừa được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người ký bên phía doanh nghiệp là giám đốc nhân sự của tập đoàn tôi. Cho tôi hỏi, trong doanh nghiệp, ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động với người lao động? – Hồ Hạnh Nhi (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Về thẩm quyền ký hợp đồng lao động được quy định cụ thể như sau:

* Về phía người sử dụng lao động:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019, người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

* Về phía người lao động:

Khoản 4 Điều 18 BLLĐ 2019 nêu rõ người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Người lao động đủ thẩm quyền ký hợp đồng lao động phải là người thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động được những người lao động ủy quyền ký kết hợp đồng chỉ áp dụng với một nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên cùng làm một công việc theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi đó, hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản và phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

Lưu ý, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động (khoản 5 Điều 18 BLLĐ 2019).

Như vậy, nếu giám đốc nhân sự là người được doanh nghiệp ủy quyền theo quy định của pháp luật thì người đó có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động với bạn.

Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng lao động, độc giả cần lưu ý 05 quy định này để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

tham quyen ky hop dong lao dong

Ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động trong công ty? (Ảnh minh họa)

2. Hợp đồng bị vô hiệu nếu người ký không đúng thẩm quyền?

Câu hỏi: Em vừa kết thúc thời gian thử việc, đang đợi được ký hợp đồng lao động chính thức từ phía công ty. Cho em hỏi là, vậy theo quy định hiện nay, trong công ty, ai sẽ có thẩm quyền ký hợp đồng lao động với người lao động ạ? Nếu người ký sai thẩm quyền thì được xử lý thế nào tiếp theo ạ? Em xin chân thành cảm ơn. – Hoàng Anh Minh Thắng (Hà Nội).

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 BLLĐ 2019, người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền sẽ khiến hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ:

“1) Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

...

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền...”

Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu (Điều 50 BLLĐ 2019).

Như vậy thẩm quyền của người ký kết hợp đồng lao động có vai trò quan trọng vì nó quyết định tới hiệu lực của hợp đồng.

Khi hợp đồng lao động vô hiệu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động mà còn gây nhiều vướng mắc khó giải quyết và thống nhất cho các bên khi xảy ra tranh chấp. Do vậy, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ký vào hợp đồng.

3. Xử lý thế nào khi hợp đồng bị vô hiệu do sai thẩm quyền ký?

Câu hỏi: Hợp đồng lao động của em được ký với công ty là do trưởng phòng tổ chức ký, mà theo thông tin em nhận được thì chị ấy không được ủy quyền hợp pháp cho việc ký hợp đồng lao động với nhân sự công ty. Vậy hợp đồng lao động của em bị vô hiệu thì sẽ được xử lý thế nào ạ? – Vương Văn Ân (Tiền Giang).

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLLĐ 2019, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ do người ký không đúng thẩm quyền thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật và các bên sẽ tiến hành ký lại hợp đồng nếu có nhu cầu tiếp tục duy trì quan hệ lao động.

Nếu không ký được hợp đồng mới thì người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.

Ngoài ra, dù hợp đồng vô hiệu theo trường hợp nào thì quyền và lợi ích của người lao động từ khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu đến khi ký kết hợp đồng mới sẽ được giải quyết theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về việc thẩm quyền ký hợp đồng lao động trong doanh nghiệp. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Xem thêm:
Hợp đồng lao động từ 2021: Tất cả quy định mới cần biết

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X