Cả nước đã dừng cấp Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, Căn cước công dân mã vạch và chuyển sang cấp Căn cước công dân gắn chip. Vậy thay đổi Căn cước công dân trên sổ bảo hiểm xã hội thế nào?
Thay đổi Căn cước công dân trên sổ bảo hiểm xã hội thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong các trường hợp: Mất, hỏng; gộp, thay đổi số sổ; họ tên; ngày tháng năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BH thất nghiệp chưa hưởng.
Thông tin số Chứng minh nhân dân là một trong các tiêu thức quản lý người tham gia bảo hiểm xã hội trong cơ sở dữ liệu vì vậy không cần phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên để điều chỉnh số Chứng minh nhân dân của bạn trong cơ sở dữ liệu, đề nghị bạn kê khai số Căn cước công dân gắn chip vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và nộp theo hình thức sau:
- Người đang làm việc nộp cho công ty nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý nơi công ty đó.
- Người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
Thay đổi Căn cước công dân trên sổ bảo hiểm xã hội thế nào? (Ảnh minh họa)
Đổi CMND có lấy được tiền bảo hiểm không?
Trả lời:
Hiện nay, mọi trường hợp cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, Căn cước công dân mã vạch đều được cấp mới Căn cước công dân gắn chip.
Khi cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân 9 số thì sẽ bị thay đổi số, các trường hợp khác vẫn giữ nguyên số.
Do đó, nhiều người thắc mắc khi thay đổi như thế có được lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp hoặc bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay không?
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn 3835/BHXH-CST, nêu rõ:
Theo quy định tại Điều 61 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia BHXH, BHTN chỉ được cấp lại sổ BHXH trong trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng hoặc thay đổi; cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ BHXH. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia BHXH, BHTN có thay đổi các nội dung khác như: số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.
Để tránh tình trạng người lao động phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà và ảnh hưởng đến thời gian hưởng BHTN của người lao động, yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm không trả lại hồ sơ giải quyết BHTN khi không có sự trùng khớp số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp hoặc hộ khẩu thường trú với sổ BHXH để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHTN./.
Như vậy, các cơ quan giải quyết chế độ không được phép từ chối chi trả chế độ cho người lao động chỉ vì không trùng khớp số Chứng minh nhân dân, bạn có thể yên tâm đi nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Trên đây là giải đáp về thắc mắc Thay đổi Căn cước công dân trên sổ bảo hiểm xã hội thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.