hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/05/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thế nào?

Thông thường, người dân thường nghe nhiều đến thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp nhà ở,…Vậy đối với nhà ở vẫn đang trong quá trình xây dựng thì có được thực hiện vay thế chấp?

Mục lục bài viết
  • Khi nào được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai?
  • Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cần đáp ứng điều kiện gì?
  • Thủ tục đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai?
Câu hỏi: Tôi có căn hộ đang trong quá trình xây dựng (nhà ở hình thành trong tương lai). Vì một vài lý do cá nhân nên tôi muốn thế chấp căn hộ này. Cho hỏi tôi cần đáp ứng điều kiện gì mới được thế chấp căn hộ này và thủ tục thế chấp như thế nào? Tôi cảm ơn. – Hoài Nguyễn (Hà Nội)

Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. (khoản 4 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).

Khi nào được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai?

Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương laiđược quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:

“Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình; tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó”.

Như vậy, theo quy định trên thì người mua nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó mà không được sử dụng cho mục đích khác.

Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thế nào? (Ảnh minh họa)


Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cần đáp ứng điều kiện gì?

Về điều kiện để tổ chức, cá nhân được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Thông tư 26/2015/TT-NHNN như sau:

- Có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư;

- Có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định;

- Có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở;

- Không thuộc diện đang có khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này;

- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tại Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định khi vay thế chấp, bên vay thế chấp có thể dùng tài sản hình thành trong tương lai để làm biện pháp bảo đảm trong hợp đồng. Tuy nhiên, càn lưu ý một số yêu cầu:

- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

- Giá trị của tài sản bảo đảm do thỏa thuận của các bên, có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Tóm lại , khi thực hiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, bạn cần lưu ý về điều kiện và yêu cầu như đã trình bày ở trên bằng cách kiểm tra thật kỹ tình trạng pháp lý nhà ở thế chấp cũng như việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước khi làm thủ tục thế chấp.

Thủ tục đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai?

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chủ sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ:

- Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp theo mẫu;

- Hợp đồng thế chấp có công chứng;

- Hợp đồng mua bán nhà ở của cá nhân mua nhà ở ký với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở;

- Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật (trường hợp người đăng ký thế chấp là người được ủy quyền).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính – Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương nơi có đất.

Tại đây, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ, tiếp nhận và đưa phiếu hẹn trả kết quả cho người dân (nếu hồ sơ hợp lệ) hoặc trả lại hồ sơ kèm theo giải thích rõ lý do từ chối tiếp nhận (nếu hồ sơ không hợp lệ).

Bước 3: Giải quyết hồ sơ và trả kết quả

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xem xét hồ sơ; xác nhận đơn đăng ký thế chấp, sao y bản gốc đơn đăng ký để lưu hồ sơ; ghi thông tin đăng ký thế chấp vào Sổ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Trường hợp có căn cứ để từ chối đăng ký thì phải từ chối đăng ký bằng văn bản và trả hồ sơ đăng ký.

Trên đây là giải đáp về Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thế nào?  Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>>> Thủ tục đăng ký xóa thế chấp mới nhất thế nào? 


>>> Nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X