hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thế chấp quyền sử dụng đất có phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

Thế chấp quyền sử dụng đất hiện nay tương đối phổ biến. Vậy, thế chấp quyền sử dụng đất cho cá nhân có phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

Mục lục bài viết
  • Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?
  • Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất?
  • Thế chấp QSDĐ có bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm?
Câu hỏi: Hiện nay, tôi có đang nhận thế chấp nhà đất của anh A. Vậy theo quy định của pháp luật thì tôi có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất và có bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm không ? Xin cảm ơn ! - Tiến Mạnh (Quảng Ninh).

Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm mục đích phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và để đảm bao cho hợp đồng bảo đảm có hiệu lực. (Theo Điều 297 và Điều 298 Bộ luật Dân sự 2015).

Thế chấp QSDĐ có phải đăng ký biện pháp bảo đảm? (Ảnh minh họa)


Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất?

Việc cá nhân thế chấp quyền sử dụng đất của mình tại tổ chức tín dụng để vay vốn là việc bình thường, tuy nhiên thế chấp quyền sử dụng đất cho một cá nhân không phải tổ chức tín dụng còn có nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015:

"Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)".

Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp.

Pháp luật dân sự cho phép các bên được tự do thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự, trong đó có quyền được dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia trong giao dịch dân sự.

Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

Như vậy, pháp luật không cấm hay hạn chế cá nhân nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Do đó, bạn có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ anh A.

Thế chấp QSDĐ có bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

Căn cứ khoản 1 Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Riêng đối với việc thế chấp quyền sử dụng đất thì tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ:

“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”

Như vậy, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai (Văn phòng đăng ký đất đai) và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Do đó, khi bạn nhận thế chấp quyền sử dụng đất của anh A thì bạn phải thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trên đây là giải đáp về Thế chấp QSDĐ cho cá nhân có phải đăng ký biện pháp bảo đảm? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X