Các hiện tượng tự nhiên bất thường (thiên tai) đang xảy ra ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bão, lũ, lốc xoáy… vẫn diễn ra hàng năm gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.
Khi có thiệt hại xảy ra do thiên tai, điều mà người dân luôn hy vọng là có một cơ quan, đoàn thể, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đề phần nào giảm nhẹ gánh nặng sau thiên tai. Tuy nhiên, những hy vọng này là không có căn cứ pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác);
Nếu thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác).
Thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra, ai phải bồi thường?
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn áp dụng quy định bồi thường hiệt hại ngoài hợp đồng rất cụ thể. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:
- Phải có thiệt hại xảy ra (vật chất hoặc tinh thần);
- Phải có hành vi trái pháp luật;
- Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại;
- Phải có lỗi của người gây thiệt hại (cố ý hoặc vô ý).
Từ những quy định trên có thể thấy, thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra thường không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không có hành vi trái luật, người dân phải hoàn toàn gánh chịu những rủi ro này. Tuy nhiên, trong khi xảy ra thiên tai, nếu có hành vi trái pháp luật, và đó là nguyên nhân gây ra thiệt hại, có lỗi của người gây thiệt hại thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Ông A xây nhà, xếp vật liệu xây dựng ngổn ngang, không tuân thủ các quy định về an toàn, khi bão đến, gió to, phần vật liệu xây dựng này bay sang làm hỏng mái nhà hàng xóm. Lúc này, ông A phải bồi thường thiệt hại cho hàng xóm. Nếu ông A đã tuân thủ các quy định an toàn nhưng do gió quá mạnh khiến vật liệu xây dựng bay sang làm hỏng mái nhà hàng xóm, ông A không phải bồi thường.
hieuluat.vn