hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 24/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thời gian nghỉ thai sản được quy định như thế nào?

Sau đây, Vanbanluat sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi xoay quanh vấn dề thời gian nghỉ thai sản 2022 một cách đầy đủ và chính xác nhất theo quy định của pháp luật.

Thời gian nghỉ để đi khám thai

Em nghe nói, lao động nữ mang thai có thể được nghỉ khám thai theo chế độ thai sản. Vậy thời gian nghỉ khám thai tối đa là bao nhiêu ngày ạ? - Thùy Linh (ttlinh…@gmail.com).

Trả lời:

Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản khi khám thai như sau:

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

thoi gian nghi thai san 2021
Thời gian nghỉ thai sản (Ảnh minh họa)

Thời gian nghỉ trong trường hợp bị sẩy thai, nạo, hút thai

Tôi có người chị mang thai được 07 tuần nhưng không may đã bị sẩy thai. Xin hỏi, chị ấy có được nghỉ dưỡng sức theo chế độ thai sản không? Nếu được thì thời gian nghỉ là bao nhiêu ngày? - Phương Anh (phuonganhh…@gmail.com).

Trả lời:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi bị sẩy thai thì được nghỉ theo chế độ thai sản.

Trong đó, thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý được quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Theo quy định trên, nếu thai 07 tuần thì sẽ sẽ được nghỉ 20 ngày, thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian nghỉ sinh con của lao động nữ

Cho tôi hỏi, luật quy định thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của nữ như thế nào? Tôi dự sinh tháng 3/2022 thì được nghỉ từ tháng mấy? - Thùy Vũ (thuyvu…@gmail.com).

Trả lời:

Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của nữ như sau:

- Lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

- Sau khi sinh con, nếu con bị chết:

+ Con dưới 02 tháng tuổi chết thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;

+ Con từ 02 tháng tuổi trở lên chết thì người mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết.

Thời gian nghỉ này không vượt quá thời gian nghỉ sinh con thông thường và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động.

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia mà mẹ chết sau khi sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, theo quy định trên, nếu bạn dự sinh vào tháng 3/2022 thì bạn được nghỉ trước khi sinh sớm nhất từ khoảng tháng 01/2022 (nghỉ trước không quá 02 tháng tính từ ngày nghỉ đến ngày dự sinh).

thoi gian nghi thai san 2021

Thời gian nghỉ thai sản (Ảnh minh họa)

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của chồng

Sắp tới vợ tôi dự sinh vào tháng 4/2022, vậy tôi có được nghỉ theo chế độ thai sản không? Thời gian nghỉ là mấy ngày? - Quốc Trung (qtrung…@gmail.com).

Trả lời:

Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

+ 05 ngày làm việc;

+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

+ Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

+ Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

- Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

- Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc khi mẹ chết sau khi sinh con thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ.

- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian nghỉ chế độ thai sản khi nhận con nuôi

Cả hai vợ chồng chúng tôi đều đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Vậy nếu nhận con nuôi thì cả hai có được nghỉ chế độ thai sản như khi sinh con không? - Thu Thủy (Ngthuthuy…@gmail.com).

Trả lời:

Theo Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Ngoài ra, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần (Điều 9 Thông tư 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).

Thời gian nghỉ thai sản khi nhờ mang thai hộ

Do thể trạng yếu, tôi không thể tự mình mang thai và sinh con nên đã phải can thiệp y học để nhờ mang thai hộ. Vậy tôi có được nghỉ thai sản để chăm sóc con không? Nếu tôi nhận con từ lúc mới sinh thì sẽ được nghỉ tối đa là mấy tháng - Lê Bình (binhle…@gmail.com).

Trả lời:

Khoản 2 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Như vậy, nếu nhận con ngay khi mới sinh thì bạn có thể được nghỉ thai sản tối đa là 06 tháng.

Ngoài ra, cũng theo Điều 35, lao động nữ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian nghỉ sinh quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần

Trên đây là các quy định về thời gian nghỉ thai sản 2022. Nếu còn thắc mắc nào khác, bạn đọc vui lòng đặt câu hỏi tại đây.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X