hieuluat
Chia sẻ email

Thời gian thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội không?

Người lao động đi làm khi nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ký hợp đồng thử việc có phải đóng không? Sau đây là giải đáp của Vanbanluat về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc.

Mục lục bài viết
  • Người lao động thử việc có phải ký hợp đồng không?
  • Thời gian thử việc được đóng bảo hiểm xã hội không?
  • Nhân viên thử việc không đóng bảo hiểm xã hội có được không?
Câu hỏi: Em có ký hợp đồng thử việc tại công ty xuất nhập khẩu trong thời gian 02 tháng từ tháng 01/2021 - 02/2020. Sau khi ký hợp đồng em mới thấy trong hợp đồng không có điều khoản đóng bảo hiểm xã hội. Cho em hỏi, thử việc có bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội không? Nếu bắt buộc phải đóng nhưng em xin không đóng có được không? - Phạm Nhung (Hà Tĩnh).

Người lao động thử việc có phải ký hợp đồng không?

Theo Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, thử việc được quy định như sau:

Điều 24. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Căn cứ quy định trên, từ 2021, khi thử việc, người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, với người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng không áp dụng thử việc.

thu viec co duoc dong bao hiem xa hoi khong

Thời gian thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội không? (Ảnh minh họa)


Thời gian thử việc được đóng bảo hiểm xã hội không?

Theo phân tích trên, người lao động thử việc từ năm 2021, ký hợp đồng trên 01 tháng được chọn giao kết hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động. Vì vậy, việc ký kết loại hợp đồng nào trong thời gian có ảnh hưởng đến việc người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian thử việc không.

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Từ quy định trên, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thử việc chỉ áp dụng với trường hợp ký hợp đồng từ 01 tháng trở lên. Theo đó, nếu người lao động thử việc có thỏa thuận nội dung ghi trong hợp đồng lao động thì thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, có thể hiểu, người lao động ký hợp đồng thử việc không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, trong thời gian làm việc này không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm.

Theo thông tin bạn đọc đưa ra, bạn ký hợp đồng thử việc, vì vậy thời gian thử việc của bạn không được tính tham gia bảo hiểm xã hội.

Kết luận: Từ 2021, người lao động thử việc ký hợp đồng lao động mà trong đó có nội dung thỏa thuận về thử việc thì sẽ được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.


Nhân viên thử việc không đóng bảo hiểm xã hội có được không?

Từ những phân tích trên, người lao động thử việc sẽ được đóng bảo hiểm xã hội khi ký hợp đồng lao động mà trong đó có thỏa thuận về nội dung thử việc. Trường hợp thử việc ký hợp đồng thử việc theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, nếu người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bao hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đóng thì khi có thanh tra, kiểm tra đơn vị làm việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Như vậy, nếu thử việc thuộc trường hợp ký hợp đồng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.

Trên đây là giải đáp về vấn đề thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội không. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X