Chứng chỉ tiền gửi là gì? Ưu, nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi như thế nào?
Chứng chỉ tiền gửi là gì? Ví dụ
Chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá được ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn từ các tổ chức hoặc các cá nhân khác. Nói cách khác, chứng chỉ tiền gửi có giá trị như một quyển sổ tiết kiệm dùng để gửi khoản tiền gửi có kỳ hạn vào ngân hàng đó.
Theo Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, chứng chỉ tiền gửi là một loại bằng chứng để xác nhận nghĩa vụ trả nợ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành với người mua trong một thời hạn, điều kiện lãi trả và các điều kiện theo ký kết nhất định.
Chứng chỉ tiền gửi gồm có 3 loại: Chứng chỉ tiền gửi ghi danh, chứng chỉ tiền gửi vô danh và chứng chỉ tiền gửi ghi sổ.
Trong đó:
Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là loại chứng chỉ tiền gửi được phát hành dựa theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên của người sở hữu.
Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là loại chứng chỉ tiền gửi được phát hành theo hình thức chứng chỉ và không ghi tên của người sở hữu.
Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ tiền gửi người sở hữu không được phép chuyển nhượng và loại giấy tờ có giá này sẽ được bán theo mệnh giá với lãi được trả vào ngày đáo hạn.
Ví dụ:
Ngân hàng X có phát hành chứng chỉ tiền gửi Y có lãi suất hàng tháng 8,65%/năm và lãi cuối kỳ sẽ là 9%/năm với số tiền mua tối thiểu là 10.000.000 đồng với kỳ hạn 12 tháng.
Gửi tiền vào chứng chỉ tiền gửi giúp các nhà đầu tư nhận được lãi suất cao
Ưu điểm và nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi là gì?
Tuy chứng chỉ tiền gửi có nhiều ưu điểm giúp cho khoản tiền của người đầu tư sinh lời nhưng nó vẫn tồn tại một số nhược điểm. Ưu và nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi bao gồm:
Ưu điểm
Ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi được thể hiện thông qua các yếu tố sau:
Tính an toàn, ít rủi ro: Chứng chỉ tiền gửi là loại tài sản phi rủi ro vì nó được những tổ chức tài chính, tín dụng uy tín phát hành, bảo vệ nên độ an toàn cao và không có rủi ro.
Đảm bảo tiền gốc và lãi: Khi gửi tiền vào chứng chỉ tiền gửi, bạn không cần luôn nơm nớp lo sợ bị mất tiền vốn gốc, lãi hay việc không minh bạch trong việc thỏa thuận phần trăm lãi suất trong thời hạn chứng chỉ vì cả gốc và lãi của chứng chỉ tiền gửi đều được đảm bảo trong toàn bộ thời gian kỳ hạn gửi.
Lãi suất cao: Chứng chỉ tiền gửi thường có mức lãi suất cao hơn mức lãi suất của các tài khoản tiết kiệm thông thường. Chính vì thế, để tối ưu được số tiền lãi nhận được các cá nhân có thể chọn gửi tiền vào chứng chỉ tiền gửi.
Có thể chuyển nhượng, mua bán, tặng: Chủ sở hữu của chứng chỉ tiền gửi có thể mang chứng chỉ tiền gửi của mình đi chuyển nhượng (Trừ chứng chỉ tiền gửi ghi sổ), mua, bán hoặc tặng cho người khác tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích của cá nhân chủ sở hữu.
Chứng chỉ tiền gửi có ưu điểm là lãi suất cao và đảm bảo an toàn
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm rất nổi trội và hấp dẫn, chứng chỉ tiền gửi còn có một số nhược điểm sau:
Tính thanh khoản thấp: Chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp hơn với những loại hình gửi tiết kiệm thông thường. Nếu gửi tiết kiệm thông thường cá nhân có thể rút sau kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 12 tháng,..., thì chứng chỉ tiền gửi không được rút trước hạn và thông thường phải chờ sau 1 nửa kỳ hạn theo quy định từng ngân hàng sẽ có sự thay đổi về quy định này.
Không được thanh toán trước hạn: Trường hợp bạn muốn rút tiền khỏi chứng chỉ tiền gửi sớm bạn sẽ bị mất tiền lãi và có thể mất thêm một phần tài sản gốc của mình.
Lãi suất trong dài hạn không cao: Trong dài hạn, chứng chỉ tiền gửi sẽ có lãi suất thấp hơn các loại trái phiếu doanh nghiệp vì nó có độ an toàn cao hơn.
Một nhược điểm lớn của chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước kỳ hạn
Chứng chỉ tiền gửi có gì khác sổ tiết kiệm?
Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm thường bị nhầm lẫn là giống nhau vì cả hai đều có thể dùng để chứng minh được số tiền đã gửi vào nhằm mục đích có được tiền lãi. Vậy sự khác nhau giữa sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi là gì? Giải đáp sự khác nhau giữa sổ tiết kiệm và chứng chỉ là như sau:
Tiêu chí | Chứng chỉ tiền gửi | Sổ tiết kiệm |
Hình thức | Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá (Một loại tài sản) | Sổ tiết kiệm chỉ là giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Tiền gửi ngân hàng) |
Lãi suất | Chứng chỉ tiền gửi thường có mức lãi suất cao hơn sổ tiết kiệm (Có thể lên tới trên 9%/năm)Tuy nhiên, nó cũng tùy thuộc vào mức kỳ hạn là dài hạn hay trung hạn. | Sổ tiết kiệm thường có lãi suất thấp hơn tùy thuộc vào kỳ hạn và từng ngân hàng khác nhau (Thường giao động trong khoảng 3,95-8,05%/năm) |
Kỳ hạn | Có kỳ hạn dài hơn (6 tháng, 9 tháng, 36 tháng, 84 tháng,...) | Có kỳ hạn ngắn hơn (1 tháng, 2 tháng, 12 tháng, 24 tháng,...) |
Tính thanh khoản | Chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp vì không được rút trước kỳ hạn. Nếu rút trước kỳ hạn sẽ bị phạt mất hết số tiền lãi và có khả năng mất thêm 10% vốn ban đầu. | Gửi tiết kiệm có tính thanh khoản cao vì kỳ hạn ngắn nên khách hàng có thể rút sớm và có thể rút trước hạn nhưng phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn cực thấp. |
Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều có những điểm mạnh và yếu khác nhau. Vì vậy, khách hàng khi lựa chọn kênh đầu tư cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên những nhu cầu sinh lời, tình hình tài chính của bản thân trong tương lai để chọn kênh đầu tư với mức kỳ hạn phù hợp.
Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm có sự khác nhau về hình thức, lãi suất, kỳ hạn
Chứng chỉ tiền gửi có rủi ro không?
Chứng chỉ tiền gửi hầu như không có rủi ro. Bởi vì, chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá được ký nhận của các ngân hàng nước ngoài và công ty tổ chức tín dụng uy tín. Hơn thế nữa, nó còn được nằm trong các quy định của luật pháp Việt Nam, cụ thể là Thông tư 01/2021/TT-NHNN, nên được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Tuy nhiên, khách hàng không được rút tiền từ chứng chỉ tiền gửi trước kỳ hạn. Trường hợp muốn rút tiền trước kỳ hạn, khách hàng sẽ chịu hình phạt là bị trừ hết lãi suất có được trong thời gian gửi tiền vào chứng chỉ tiền gửi và còn có khả năng mất thêm 10% tiền vốn gốc ban đầu.
Chứng chỉ tiền gửi là một kênh đầu tư an toàn và có lãi suất cao
Kết luận
Trên đây là bài viết về Chứng chỉ tiền gửi là gì? và ưu, nhược điểm chứng chỉ tiền gửi. Đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi là một lựa chọn hay và an toàn nhưng cá nhân nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến nhu cầu và sự phù hợp của kênh đầu tư này để đưa ra quyết định tối ưu nhất.