hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 30/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nhà nước thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân?

Khi thuộc trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất thường quan tâm đến vấn đề bồi thường bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ. Và một trong những điều mà người dân băn khoăn đó là Nhà nước khi thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân? 

Câu hỏi: Năm 1997, Gia đình tôi được UBND huyện Mê Linh giao 200 m2 đất ở để xây dựng nhà. Đến năm 2021, do thực hiện dự án xây dựng trường tiểu học nên UBND huyện Mê Linh ra quyết định thu hồi đất và bồi thường cho gia đình tôi 500 triệu đồng. Vậy theo quy định pháp luật, việc thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân không? Xin cảm ơn. - Hùng Mạnh (Mê Linh).

Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 16 Luật Đất đai 2013, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất trong các trường hợp sau:

- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

Việc nhà nước tiến hành thu hồi đất phải dựa trên căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai.

Đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, Nhà nước chỉ được tiến hành thu hồi đất khi xây dựng căn cứ quân sự, Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; xây dựng ga, cảng quân sự; xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân…( Theo quy định tại Điều 61 Luật Đất đai 2013)

Đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước chỉ được tiến hành thu hồi đất khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư; thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.( Theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013).

Đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, Nhà nước chỉ được tiến hành thu hồi đất khi sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm…( Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013).

Đối với trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, Nhà nước tiến hành thu hồi đất khi cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn; đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người…( Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013).

Người dân có được thỏa thuận với nhà nước về mức giá bồi thường, hỗ trợ?

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 69 Luật Đất đai 2013:

“Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 28 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được  thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Đất đai 2013 và phải niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực có đất thu hồi ít nhất là 20 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Ta có thể thấy, Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến về việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với những trường hợp người dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sẽ được Nhà nước tiến hành tổ chức đối thoại.

Tuy nhiên, về mức bồi thường đất, hỗ trợ, tái định cư vẫn phải tuân theo quy định pháp luật Đất đai 2013, cụ thể:

Đối với mức bồi thường đất phải thực hiện theo nguyên tắc tại khoản 2, Điều 74 Luật Đất đai 2013, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Đối với mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại thì phải thực hiện xác định theo công thức quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Đối với mức bồi thường về nhà, công trình xây dựng thì được xác định dựa theo tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.( Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP)

Do đó, người dân có thể thỏa thuận với Nhà nước về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không được phép cao hơn mức quy định pháp luật đất đai.

Lưu ý:

- Các quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 64 và Điều 65 Luật Đất đai 2013

- Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai 2013 mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì người dân có quyền thỏa thuận mức bồi thường với chủ đầu tư không cần tuân theo quy định của pháp luật đất đai. Trong trường hợp này, người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư bồi thường đất theo giá thị trường.( Theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai 2013).

Nhà nước thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân? (Ảnh minh họa)


Người dân có bắt buộc phải giao đất khi không thỏa thuận được với Nhà nước?

Cùng với việc xác định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, vấn đề thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân cũng là thắc mắc của không ít người. Căn cứ theo khoản 2, Điều 71 Luật Đất đai 2013, Nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trong trường hợp sau:

- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

- Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Do đó, kể cả trường hợp người dân không thỏa thuận được với nhà nước và không tự nguyện giao đất cho Nhà nước thì Nhà nước sẽ tiến hành ra Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, buộc người dân phải giao đất. Việc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 4, Điều 71 Luật Đất đai 2013.

Trên đây là giải đáp về thu hồi đất có phải thỏa thuận với người dân. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X