Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Trong trường hợp mất Giấy phép lái xe, chủ xe có thể làm lại ở đâu và thủ tục thực hiện như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
- Thông tư 188/2016/TT-BTC về phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép lái xe (theo mẫu);
- Hồ sơ gốc phù hợp với Giấy phép lái xe (nếu có);
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp cấp lại Giấy phép lái xe không thời hạn hạng A1, A2, A3;
- Bản sao Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với người Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người bị mất Giấy phép lái xe nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
Tại đây, người lái xe chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe bị mất mới nhất
Riêng người có Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại:
- Lý thuyết nếu quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm;
- Cả lý thuyết và thực hành nếu quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên.
Hồ sơ dự sát hạch lại bao gồm:
- Bản sao Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép lái xe (theo mẫu) có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
- Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
Bước 3. Nộp lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe
- Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.
- Phí sát hạch lái xe:
+ Xe máy (hạng A1, A2, A3, A4): Lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Thực hành: 50.000 đồng/lần.
+ Ô tô (hạng B1, B2, C, D, E, F): Lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.
Bước 4. Nhận Giấy phép lái xe cấp lại
Theo ngày ghi trên giấy hẹn, lái xe đến nơi đã nộp hồ sơ ban đầu để nhận Giấy phép lái xe cấp lại.
Với trường hợp không phải sát hạch lại thì sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện Giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì được cấp lại Giấy phép lái xe.
Với trường hợp phải sát hạch lại thì thời gian cấp lại chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Xem thêm:
Bằng lái xe được sử dụng trong bao lâu?
Bị cảnh sát giao thông giữ bằng lái có nên bỏ bằng để thi lại?
Đổi tên trên căn cước công dân có phải thi lại bằng lái xe không?