hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 29/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

[2023] Thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thế nào?

Trong nhiều trường hợp khi nhập viện người bệnh phải chuyển tuyến điều trị. Vậy, điều kiện và thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện thế nào?

Mục lục bài viết
  • Những trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT
  • Điều kiện để được chuyển tuyến khám bảo hiểm 2023?
  • Trường hợp chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên
  • Trường hợp chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới
  • Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến
Câu hỏi: Xin chào Hieuluat. Ông của em đang điều trị ở bệnh viện huyện nhưng thấy sức khỏe không đỡ hơn nên muốn chuyển lên tuyến tỉnh. Trường hợp của ông em có chuyển tuyến được không ạ? Nếu được chuyển tuyến cần làm thủ tục thế nào? - Phương Lam (Quảng Ngãi).

Những trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT

Theo Điều 3 Thông tư 43/2013/TT-BYT, các loại tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm:

Tuyến Trung ương: Bệnh viện hạng đặc biệt, Các bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Tuyến tỉnh: Bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng I, hạng II thuộc Sở Y tế…

Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện, bệnh xá công an tỉnh; Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh.

Tuyến xã, phường, thị trấn: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; Phòng khám bác sỹ gia đình.

Theo đó, các hình thức chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2014/TT-BYT như sau:

- Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:

  • Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1;
  • Chuyển người bệnh không theo trình tự nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.

- Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.

- Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.

Điều kiện để được chuyển tuyến khám bảo hiểm 2023?

Theo Điều 5 Thông tư 14/2014/TT-BYT, để chuyển tuyến được coi là đúng tuyến, cần đáp ứng điều kiện cụ thể của từng trường hợp dưới đây:

Trường hợp chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên

- Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán, điều trị cũng như danh mục kỹ thuật hiện có của cơ sở khám chữa bệnh hoặc do điều kiện khách quan mà cơ sở đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị.

- Trường hợp cơ sở tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp, người bệnh có thể chuyển lên tuyến cao hơn.

- Người bệnh phải được các bác sĩ của cơ sở khám, chữa bệnh hiện tại tổ chức hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám, chữa bệnh tuyến 4).

Trường hợp chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới

Sau khi người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định thấy tình trạng của người bệnh đã thuyên giảm thì có thể để người đó tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.

Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến

+ Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh hoặc bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật nhưng do điều kiện khách quan mà cơ sở đó không đáp ứng được điều kiện chẩn đoán và điều trị.

+ Bệnh phải phù hợp với danh mục kỹ thuật tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến dự kiến chuyển bệnh nhân đến.

Chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên các địa bàn giáp ranh

Các trường hợp chuyển người bệnh theo đúng quy định trên được coi là chuyển đúng tuyến. Trường hợp ngược lại được coi là chuyển vượt tuyến.

Trường hợp người bệnh không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến như trên nhưng người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám chữa bệnh giải quyết cho người bệnh chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người bệnh.

Cơ sở khám chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Vì không rõ thông tin chi tiết về tình hình ông của bạn, do vậy bạn có thể đối chiếu tình hình bệnh của ông bạn xem có nằm trong các trường hợp được chuyển đúng tuyến không. Nếu không bạn vẫn có thể chuyển vượt tuyến nhưng cần lưu ý mức hưởng bảo hiểm y tế.

Quy trình, thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới nhất?

Thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 2023 thế nào?
Thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 2023 thế nào?

Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 14/2014/TT-BYT, thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện như sau:

1 - Thông báo, giải thích lý do chuyển tuyến để người bệnh/người đại diện của người bệnh biết rõ.

2 - Ký giấy chuyển tuyến (theo Điều 6 Thông tư này, Giám đốc bệnh viện công lập hoặc người phụ trách chuyên môn tại cơ sở tư nhân có thẩm quyền thực hiện).

3 - Trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến; kiểm tra tình trạng người bệnh lần cuối trước khi chuyển. Đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện để cấp cứu trên đường vận chuyển.

4 - Trường hợp người bệnh cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến, cơ sở khám chữa bệnh chuyển người bệnh đi phải thông báo rõ: tình trạng người bệnh và những yêu cầu hỗ trợ để cơ sở tiếp nhận bệnh nhân có biện pháp xử trí phù hợp.

5 - Giao giấy chuyển tuyến cho người hộ tống hoặc người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh để chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến.

6 - Bàn giao người bệnh cùng giấy chuyển tuyến cho cơ sở khám chữa bệnh nơi chuyển đến.

Thủ tục chuyển người bệnh về tuyến dưới được thực hiện theo quy định tại mục 1, 2, 5, 6 như trên.

Mức hưởng bảo hiểm y tế khi chuyển tuyến mới nhất

Theo khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, người tham gia bảo hiểm y tế khi thực hiện thủ tục mà có giấy chuyển tuyến thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với mức như sau:

  • 100% chi phí khám chữa bệnh: trẻ em dưới 06 tuổi; Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên công an nhân dân…
  • 95% chi phí khám chữa bệnh: dành cho người có lương hưu hoặc trợ cấp mất sức hằng tháng, người thuộc hộ nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng…
  • 80% chi phí khám chữa bệnh: dành cho đối tượng khác.

>>>Xem tiếp: Không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Trên đây là thông tin về thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế? Nếu còn thắc mắc, xin mời liên hệ hotline 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X