Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký tạm trú mới nhất

Thứ Năm, 05/03/2020 Theo dõi Hiểu Luật trên

Nhiều người thắc mắc về cách thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú do thực tế đăng ký thường trú ở một nơi nhưng sinh sống, làm việc ở nơi khác. Cùng tìm hiểu chi tiết thủ tục đăng ký tạm trú qua bài viết dưới đây:
 

Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an phường, xã, thị trấn. Cán bộ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp;

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Bước 3: Nhận kết quả: Nộp giấy biên nhận.

+ Trường hợp được giải quyết đăng ký tạm trú: Nộp lệ phí và nhận hồ sơ; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong sổ tạm trú, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả);

+ Trường hợp không giải quyết đăng ký tạm trú: Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký tạm trú và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

Thành phần hồ sơ

A. Giấy tờ phải nộp

1. Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01);

2. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02);

3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là một trong những giấy tờ, tài liệu sau:

(1) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

(2) Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

(3) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

(4) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;

(5) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

(6) Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã);

(7) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

(8) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

(9) Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

(10) Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở.

Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của UBND cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.

(11) Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân.

Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;

(12) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp:

+ Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;

+ Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo.

(13) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

(14) Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu nêu trên.

B. Giấy tờ phải xuất trình

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.

Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.

Lệ phí

Do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương quy định

Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Căn cứ

- Luật Cư trú số 81/2006/QH11;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú số 36/2013/QH13;

- Nghị định số 31/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú;

- Thông tư số 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP

- Thông tư số 36/2014/TT-BCA về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú đã được hướng dẫn chi tiết trên đây, Vanbanluat hi vọng sẽ giúp bạn đọc có thể dễ dàng thực hiện khi cần.

Xem thêm:

Ngủ qua đêm tại nhà bạn có phải đăng ký tạm trú

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới

Tin xem nhiều