Thẻ bảo hiểm y tế là căn cứ xác định mức hưởng của người tham gia khi khám chữa bệnh. Hơn nữa, sắp tới 1/4/2021, mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới được ban hành. Vậy, người có nhu cầu đổi thẻ bảo hiểm y tế đến đâu để đổi thẻ? Thủ tục thế nào?
Trả lời:
Đối tượng đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới?
Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới với nhiều ưu điểm như được ép plastic, kích thước nhỏ gọn, mã số thẻ ngắn hơn, thêm thông tin hướng dẫn…
Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới theo khoản 2 Điều 4 Quyết định này quy định như sau:
Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT theo quy định tại Quyết định này, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT.
Có thể hiểu, những người đang sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mẫu cũ, còn thời hạn thì tiếp tục sử dụng. Do đó, những trường hợp đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới gồm có:
- Thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng, xin cấp mới.
- Cấp lại thẻ do thay đổi thông tin trên thẻ, thẻ bị rách, hỏng.
- Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do bị mất thẻ.
Tuy nhiên, cũng theo Quyết định 1666, tại các địa phương còn phôi thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu cũ chưa sử dụng hết thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ bảo hiểm y tế cũ cho người tham gia. Như vậy, không phải tất cả thẻ BHYT được cấp từ ngày 01/4/2021 đều là mẫu thẻ mới.
Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế thực hiện thế nào? Đến đâu để đổi? (Ảnh minh họa)
Cần giấy tờ gì để đổi thẻ bảo hiểm y tế?
Như đã đề cập, thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới được cấp trong các trường hợp do bị rách, hỏng, bị mất… Do đó, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế cụ thể như sau:
Với người tham gia bảo hiểm y tế
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).
- Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
(Với người hiến bộ phận cơ thể: Có thêm Giấy ra viện).
Ngoài ra, đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Đổi thẻ bảo hiểm y tế ở đâu? Thực hiện thủ tục thế nào?
Nơi đổi thẻ bảo hiểm y tế
Tùy thuộc vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà nơi cấp mới, đổi thẻ sẽ khác nhau. Cụ thể Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH quy định như sau:
- Người do tổ chức BHXH đóng: nộp hồ sơ cho UBND xã hoặc cho cơ quan BHXH. Với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế: nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
- Người tham gia do ngân sách nhà nước đóng: nộp hồ sơ cho UBND xã.
Trường hợp điều chỉnh thông tin nộp hồ sơ cho UBND xã hoặc cho cơ quan BHXH.
Người đã hiến bộ phận cơ thể: nộp Giấy ra viện cho cơ quan BHXH.
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng: nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH.
- Với học sinh, sinh viên đóng theo nhà trường thì nộp hồ sơ cho nhà trường.
- Người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình: nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH.
- Người đóng tại doanh nghiệp: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể: Đến cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
Thủ tục thực hiện
Người có nhu cầu đổi thẻ bảo hiểm y tế thực hiện như sau:
- Chuẩn bị hồ sơ như trên.
- Nộp hồ sơ: tùy từng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà địa điểm nộp hồ sơ nêu ở mục trên. Đơn vị sử dụng lao động, nhà trường, UBND cấp xã, cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
Với đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, Đại lý thu/nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH.
Với trường hợp cấp mới thẻ BHYT phải đóng tiền BHYT theo mức của đối tượng tham gia. Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT sẽ không mất phí.
- Thời hạn giải quyết.
Tính từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định trên, thời hạn giải quyết với các trường hợp như sau:
- Cấp mới: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ với trường hợp cấp mới cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Đổi thẻ bảo hiểm y tế, cấp lại:
+ Không thay đổi thông tin: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
+ Thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
Trên đây hướng dẫn thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây cho chúng tôi để được hỗ trợ.
Xem thêm: