hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục giải chấp Sổ đỏ: Hồ sơ, trình tự thế nào?

Sau khi đã trả hết nợ cho ngân hàng, người thế chấp Sổ đỏ phải thực hiện giải chấp hay còn gọi là xóa thế chấp. Vậy thủ tục giải chấp Sổ đỏ tại ngân hàng được thực hiện thế nào?

Mục lục bài viết
  • Cần chuẩn bị gì để giải chấp Sổ đỏ tại ngân hàng?
  • Cần đến đâu để giải chấp Sổ đỏ?
  • Giải chấp sổ đỏ mất bao nhiều thời gian?
  • Giải chấp Sổ đỏ có mất tiền không?
Câu hỏi: Năm ngoái, tôi có vay ngân hàng 500 triệu đồng trong vòng một năm và có thể chấp miếng đất của tôi. Giờ đã đến hạn, tôi cũng trả hết tiền cho ngân hàng rồi nhưng khi đến Văn phòng công chứng làm thủ tục tặng cho miếng đất này cho con thì bị từ chối vì bảo tôi chưa xóa thế chấp. Vậy cho tôi hỏi, giờ tôi muốn giải chấp Sổ đỏ tại ngân hàng thì tôi phải thực hiện thủ tục thế nào?

Trả lời:

Giải chấp Sổ đỏ hay chính là xóa biện pháp bảo đảm hay còn được gọi là xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi vay vốn tại ngân hàng.

Theo đó, người đi vay sẽ dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là Sổ đỏ) của mình hoặc của người thứ ba để đảm bảo cho một khoản tiền vay (thế chấp Sổ đỏ để vay tiền).

Thông thường, khi đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, người đi vay phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hay còn gọi là giải chấp Sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có đất để thông báo với cơ quan này rằng quyền sử dụng đất của mình đã không còn được thế chấp tại ngân hàng.

Bởi trước đó, khi thế chấp Sổ đỏ, người đi vay cũng phải đăng ký việc vay vốn ngân hàng với cơ quan này. Dưới đây là trình tự, thủ tục chi tiết.


Cần chuẩn bị gì để giải chấp Sổ đỏ tại ngân hàng?

Theo Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, hồ sơ giải chấp Sổ đỏ tại ngân hàng gồm:

- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp (bản chính).

- Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của ngân hàng hoặc nếu ngân hàng chỉ có chữ ký thì cần phải có văn bản xác nhận giải chấp của ngân hàng (bản chính hoặc bản sao không chứng thực nhưng phải có bản chính đối chiếu).

- Sổ đỏ (bản chính).

- Văn bản ủy quyền (nếu có - bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao không chứng thực nhưng cần có bản chính kèm theo để đối chiếu).

Riêng trường hợp trước đó đăng ký thế chấp khi cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong quyền sử dụng đất thì cần nộp một bộ hồ sơ gồm:

- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp (bản chính).

- Sổ đỏ (bản chính).

- Văn bản xác nhận kết quả xử lý quyền sử dụng đất của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại (bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

- Văn bản ủy quyền (nếu có).

thu tuc giai chap so do
Thủ tục giải chấp Sổ đỏ: Hồ sơ, trình tự thế nào? (Ảnh minh họa)


Cần đến đâu để giải chấp Sổ đỏ?

Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền thực hiện giải chấp Sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai (cấp huyện) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nếu tỉnh, thành đã có bộ phận một cửa thì người có yêu cầu giải chấp Sổ đỏ nộp tại bộ phận này để cơ quan này chuyển lên Văn phòng hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.


Giải chấp Sổ đỏ mất bao nhiều thời gian?

Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (giải chấp Sổ đỏ) là không quá 03 ngày.

Khi nhận được kết quả giải chấp, thông tin đã xóa đăng ký thế chấp sẽ được thể hiện tại trang bổ sung của Sổ đỏ (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 20 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).

Nội dung ghi tại đây được quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Thông tư 23/2014 như sau:

Xóa nội dung đăng ký thế chấp ngày …/.../... (ghi ngày đã đăng ký thế chấp trước đây) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)

Giải chấp Sổ đỏ có mất tiền không?

Theo khoản 21 Điều 2 Thông tư số 85/2019/TT-BTC, phí đăng ký giao dịch bảo đảm trong đó có phí giải chấp Sổ đỏ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Do đó, sẽ không có một văn bản nào quy định thống nhất phí xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ hay phí giải chấp Sổ đỏ mà phí này được từng tỉnh, thành phố quy định. Đơn cử có thể kể đến:

- Tại TP. HCM: Mức phí này là 20.000 đồng (theo Phụ lục 09 ban hành kèm Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND).

- Tại TP. Hà Nội: Mức phí xóa đăng ký giao dịch bảo đảm (phí giải chấp Sổ đỏ) là 10.000 đồng/hồ sơ…

Trên đây là quy định về thủ tục giải chấp Sổ đỏ chi tiết nhất. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X