Thủ tục giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử. Đây là trình tự đặc biệt nhằm đảm bảo các vụ án đều được giải quyết chính xác.
Ý nghĩa của thủ tục giám đốc thẩm
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử. Hiện nay, Tòa án chỉ xét xử theo 2 cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Giám đốc thẩm là một trình tự đặc biệt để đảm bảo các vụ án đều được giải quyết một cách khách quan, chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật.
Luật quy định việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, không có giới hạn về thời gian.
Thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải là thủ tục nối tiếp của cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Về nguyên tắc, sau khi được xét xử phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật ngay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững kỷ cương, trật tự an ninh xã hội thì thủ tục giám đốc thẩm mang vai trò quan trọng.
Thủ tục giám đốc thẩm có ý nghĩa với nhiều vụ án
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Khi có một trong những căn cứ sau, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Và các vi phạm này phải gây ra hậu quả là dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
hieuluat.vn